Phông chữ

Kính điều chỉnh thị lực; phương pháp điều trị bệnh Alzheimer, cấy titan vào răng để tạo liên kết với xương... là một số sáng chế nằm trong danh sách được đề cử trao Giải thưởng sáng chế châu Âu 2011.

 

Văn phòng bằng sáng chế châu ở ở Munich (Đức) vừa công bố danh sách 15 đề cử triển vọng nhất cho giải thưởng sẽ được trao vào ngày 19.5 ở Budapest (Hungary), đáp ứng chủ đề phục vụ cuộc sống, thay vì những sản phẩm xa lạ, kỳ dị.

Những sáng tạo trong danh sách gồm kỹ thuật nâng cao hiệu quả điều trị ung thư, chẩn đoán bệnh tim và chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer, an toàn giao thông, sản xuất năng lượng, tinh lọc nước và sợi quang học.

Kính điều chỉnh thị lực của Joshua Silver, nhà vật lý học nguyên tử ở ĐH Oxford (Anh), đang được 30.000 người ở những nước nghèo nhất thế giới sử dụng, thông báo của Liên minh châu Âu cho biết. “Những vấn đề về thị lực gây thiệt hại kinh tế khoảng 121 tỷ euro mỗi năm. Nhưng chỉ mất 1 USD để khắc phụ vẫn đề này, nhờ sáng chế của Silver”, thông báo trích dẫn số liệu của Tổ chức y tế thế giới cho biết.

Sáng chế của Silver đang phải cạnh tranh với ý tưởng của nhà khoa học người Estonia Mart Min, tác giải của “phương pháp đo điện trở kháng mới, giúp việc chẩn đoán bệnh tim dễ dàng hơn”, và sáng tạo của nhà khoa học Bỉ Christine Van Broeckhoven với công trình tìm ra thuốc và phương pháp điều trị bệnh Alzheimer.

Nhà khoa học Per-Ingvar Branemnark người Thụy Điển được đề cử giải thành tựu trọn đời vì là một trong những người tiên phong của liệu pháp cấy titan để “tạo nên mối liên hệ bền vững giữa titan và xương. Liệu pháp này đang được các nha sĩ đang dùng phổ biến hiện nay”.

Nhà khoa học Blanka Rihova người CH Czech cũng nằm trong danh sách được đề cử trao giải với việc tìm ra phương pháp hóa trị mới để bảo vệ những tế bào khỏe mạnh trong cơ thế bệnh nhân ung thư. Nhà nghiên cứu Emmanuel Desurvire (Pháp) là người tiên phong tìm ra phương pháp truyền gói dữ liệu lớn với tốc độ cao.

Các nhà khoa học Mỹ, Israel và Ấn Độ là tác giả của công trình turbine sản xuất điện ở những vùng nước nông, công nghệ camera siêu nhỏ dùng trong nội soi, và kỹ thuật dùng tia cực tím để làm sạch nước cũng nằm trong danh sách đề cử trao giải cho những sáng chế ngoài châu Âu.

Những đề cử khác hướng tới phục vụ công nghiệp, như sợi sắt, kiểm soát ô-tô bằng radar, cấy silicon vào khối u, lò nung ít tỏa nhiệt và kính hiển vi 3D để soi mẫu tế bào cũng có khả năng được vinh danh vì có thể ứng dụng trên phạm vi rộng.

Trúc Quỳnh
(Theo AFP)