Phông chữ

Ngày 17/1, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng Euro đã nhóm họp để bàn thảo về việc mở rộng quỹ khẩn cấp, giải cứu những nền kinh tế có nguy cơ lâm vào cuộc khủng hoảng vỡ nợ như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.


Tuy nhiên, ngay khi cuộc họp bắt đầu, mâu thuẫn đã nảy sinh. Nguyên do là vì Bỉ đề xuất phải tăng gấp đôi số vốn ban đầu cho quỹ khẩn cấp lên mức 1.500 tỷ Euro và dùng vào việc mua trái phiếu của các nước trong khu vực đồng Euro. Bộ trưởng Tài chính Bỉ Didier Reynders cho biết, Bỉ sẽ khởi xướng việc thảo luận về sự gia tăng cho quỹ khẩn cấp trong hai ngày liền cho dù các Bộ trưởng Tài chính có thể chưa đưa ra được quyết định cuối cùng.

Đồng ý với quan điểm của Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso còn kêu gọi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sớm đưa ra quyết định vào cuộc họp thượng đỉnh sắp tới tổ chức vào tháng 2.

Trong khi đó, Đức lại cho rằng, số tiền 750 tỷ Euro cho quỹ khẩn cấp đã là quá lớn và đủ để giải cứu nhiều quốc gia như EU đã làm trong cuộc giải cứu cuộc khủng hoảng nợ ở Ireland hồi tháng 11 và Hy Lạp vài tháng trước đó.

Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle trong lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Tagesspiegel am Sonntag nói: "Tôi không hiểu những gì ông Barroso đang kêu gọi. Số tiền trong quỹ khẩn cấp không phải là nhỏ và không có gì cần phải bàn thảo thêm nữa".

Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde đã xoa dịu mọi căng thẳng bằng tuyên bố, mọi ý tưởng cần phải được thảo luận kỹ càng và tiền trong quỹ khẩn cấp có thể được dùng để mua lại nợ của những quốc gia đang gặp khủng hoảng và Ngân hàng trung ương châu Âu phải đóng vai trò điều tiết.

Trên thực tế, khi quỹ khẩn cấp được thành lập hồi năm ngoái để bảo vệ đồng tiền euro trước cuộc khủng hoảng nợ có nguy cơ lan rộng sau khi Hy Lạp trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực đồng euro lâm vào cảnh nợ nần và thâm hụt ngân sách. Khi đó, nhiều nhà kinh tế đã khuyến cáo rằng, số tiền 750 tỷ euro là nhỏ so với khả năng cần giải cứu của một số quốc gia thuộc EU. Và chỉ sau đó vài tháng, Ireland đã buộc phải viện tới sự trợ giúp của EU. Nay, hai quốc gia khác là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang có nguy cơ lâm vào tình cảnh tương tự.

Theo tin từ đài BBC, số tiền trong quỹ khẩn cấp này bao gồm 440 tỷ euro lấy ra từ quỹ bình ổn tài chính châu Âu do 17 thành viên thuộc khu vực đồng euro hậu thuẫn. Thêm vào đó là 250 tỷ euro từ Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) và 60 tỷ euro từ EC        


Phan Hiển