Phông chữ
Đón năm 2011 với lo âu và hy vọngKinh tế thế giới chuẩn bị bước sang năm 2011 với nhiều khó khăn, nhọc nhằn và đầy rẫy "bất thường" của năm 2010.

Đa số các dự báo đều cho rằng kinh tế thế giới năm 2011 còn khó hơn năm 2010, sự chuyển biến nếu có sẽ vào năm 2012
Theo qui luật, sau khủng khoảng, kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn phục hồi để tạo đà cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, năm 2010 diễn biến lại không như vậy: quí 1 tăng trưởng khá, sang quí 2 kinh tế thế giới bắt đầu bộc lộ những điểm yếu "chết người".

Châu Âu chao đảo khi phải hứng chịu "bão" nợ công với "phiên bản" Hy Lạp và Ireland. Nước Mỹ sống trong bầu không khí "u ám" và "u ám một cách bất thường". Nước Nhật không có giải pháp hữu hiệu nào xử lý "căn bệnh" đồng Yên "bỗng dưng" tăng giá và tăng mạnh. Trung Quốc sau khi đứng thứ 2 thế giới theo chỉ số GDP cũng cảm nhận thấy "hơi nóng" của lạm phát đang đe doạ vị trí G7+ của mình.

Thế giới phục hồi theo kiểu "gập ghềnh", nhiều biến động và khó lường.

Trong bối cảnh đó, khi thế giới chuẩn bị bước sang năm mới, năm 2011, đa số các dự báo đều cho rằng năm 2011 còn khó hơn, sự chuyển biến nếu có sẽ vào năm 2012.

Kịch bản năm 2011 cho các nền kinh tế lớn phần nhiều là khó khăn, là "u ám" với chỉ số GDP chỉ còn 3,0-3,1% (năm 2010 là 3,4-3,6%).

Nước Mỹ theo dự báo GDP sẽ dao động khoảng 2,4-2,5% cùng với 13.473 tỉ USD nợ công và 10% là số lao động thất nghiệp.

Trung Quốc GDP sẽ giảm nhưng vẫn đạt khoảng 8%, lạm phát vẫn là chủ đề quan trọng nhất trong nửa đầu năm 2011.

Châu Âu dự báo GDP chỉ tăng 1,5%, thấp một chút nếu so với tỷ lệ 1,7% của năm 2010. Vấn đề lớn nhất của Châu Âu trong năm 2011 là không phát sinh "Hy Lạp và Ireland" mới.

Nhật Bản tăng trưởng GDP chỉ còn 50% (1,5 - 3,1%) nếu so với năm 2010. Kỷ lục tăng giá 11% của đồng Yên trong năm 2010 sẽ là thách thức to lớn nhất mà Nhật Bản cần phải xử lý trong năm 2011.

Mỹ: Nền kinh tế lớn nhất thê giới chuyển sang năm 2011 với rất nhiều lo toan bộn bề, tăng trưởng GDP chưa tương xứng với các chương trình kích thích kinh tế và thâm hụt ngân sách.

Đồng USD giảm giá chưa phải là thuốc "đặc trị" cho kinh tế Mỹ nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nền kinh tế trên thế giới. Thất nghiệp đang "nhăm nhe" vượt ngưỡng 10%...

Tất cả đang phụ thuộc vào chương trình Nới lỏng định lượng lần 2, phụ thuộc vào luật Cắt giảm thuế trị giá 858 tỷ USD và luật Cải cách phố Wall...

Hiện nay các thông tin đều cho rằng kinh tế Mỹ đã trở về giai đoạn trước khủng khoảng kinh tế năm 2008. Tuy nhiên để kinh tế Mỹ có thể bứt phá trong năm 2011, cần phải xử lý nhiều tham số, trong đó giảm tỷ lệ thất nghiệp và nhu cầu tăng cao của kinh tế thế giới sẽ đóng vai trò quyết định.

Đối với nước Mỹ, năm 2011 sẽ là năm "kinh tế" để tạo đà cho các cuộc bầu cử chính quyền của năm tiếp theo.

Trung Quốc:
Kinh tế Trung Quốc bước sang năm 2011 với những vấn đề riêng có của mình. Vấn đề của Trung Quốc có cả ở trong nội tại nền kinh tế cũng như trong quan hệ với các nền kinh tế lớn.
 
Trong quan hệ kinh tế quốc tế, áp lực tăng giá đồng NDT vẫn là xu hướng chính. Nếu xử lý không chuẩn, NDT tăng mạnh sẽ gây tác động xấu đến hàng xuất khẩu và ảnh hưởng đến thặng dư thương mại.

Nếu NDT không tăng, sức ép của các nền kinh tế lớn đối với Trung Quốc sẽ lớn hơn năm 2010, điều này cũng không có lợi cho kinh tế Trung Quốc.

Về kinh tế trong nước, xử lý lạm phát và tái cơ cấu kinh tế là chủ đề lớn nhất của kinh tế Trung Quốc trong năm 2011. Để xử lý lạm phát hiệu quả, chính sách tiền tệ  được chuyển từ "nới lỏng" sang "thận trọng" với một loạt các biện pháp kèm theo.

Ở góc độ khác, tái cơ cấu lại là vấn đề quan trọng nhất. Điều này không phải là không có cơ sở, nếu thực sự là nước phát triển, Trung Quốc phải tái có cấu.

“Lạm phát chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Vấn đề căn bản nhất mà chúng ta phải giải quyết là cơ cấu. Chúng ta cần mở cửa nhiều hơn, cần những chính sách cải cách. Hãy xem sự độc quyền của nhà nước về giáo dục, y tế, viễn thông và giải trí. Chúng ta cần mở cửa những lĩnh vực này. Chúng ta cần tạo ra thêm nhiều công việc làm và làm cho nền kinh tế có sức canh tân hơn”, quan điểm của Giáo sư Xu Xiaonian, trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải.

Châu Âu:
Hơn 10 năm trước đây, khi ra đời đồng Euro, ra đời khu vực đồng Euro (Eurozone) có lẽ các thành viên chưa nghĩ hoặc không thể nghĩ đồng Euro lại gặp nhiều khó khăn, nhiều trắc trở như hiện nay.

Sự tương đồng và khác biệt đã hiện rõ ở Châu Âu sau khi hình thành Eurozone, 16/27 nước tham gia nhưng không có một trụ cột của Châu Âu, nước Anh.

Chính đặc thù đó đã mang cho Eurozone nhiều sự khác biệt của từng vùng, từng miền theo vị trí địa lý. Và như vậy, khi khủng khoảng xảy ra, có lúc cảm nhận Eurozone xử lý theo "tiếng kèn ngập ngừng", không quyết liệt cho lắm.

Với phân tích như vậy, tâm lý bi quan không phải không xuất hiện ở nơi này hay nới khác của Châu Âu. Các từ "tan rã" hay "vỡ nợ"...thường nói về đồng Euro, về Eurozone.

Trong bối cảnh đó dư luận đang lo ngại các trái phiếu chính phủ có lãi suất cao sẽ bị thay đổi trong những năm gần đây. Mặc dù vấn đề này đã được Uỷ ban Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trấn an, nhưng lo lắng vẫn còn đó.


Với đặc điểm của  Châu Âu hiện nay, không có giải pháp nào có thể cho là tối ưu và giải quyết hết các vấn đề của Châu Âu. Điều quan trọng hiện nay là để người dân tin tưởng vào các giải pháp xử lý khủng khoảng cũng có thể nói là thành công.

Trong bối cảnh u ám của Châu Âu, nước Đức đã trở thành hiện tượng trong năm với nhiều chỉ số lạc quan và năm 2010 đối với nước Đức sẽ là năm "đáng nhớ".

Nước Đức của năm 2010 là quốc gia đi tiên phong cắt giảm thâm hụt ngân sách, của tăng trưởng GDP đạt 3,6% (mức cao nhất trong 20 trở lại đây), của chính sách kích thích kinh tế tiết kiệm và hiệu quả.

Đã có những cuộc tranh luận thú vị về mô hình tăng trưởng kinh tế của Đức và Mỹ, nếu kết luận tại thời điểm này, nước Đức sẽ có ưu thế.

Nhật Bản: Không thể khác, trước nguy cơ trì trệ kéo dài, Nhật Bản đã quyết định ban hành gói kích thích với qui mô chưa từng có 1.100 tỷ USD cho năm tài chính 2011 (từ 1/4/2011 đến 31/3/2012).

Quyết định ban hành gói kích thích nêu trên nhằm thay đổi tình trạng kinh tế Nhật khi chịu áp lực lớn từ 2 "gọng kìm" là chi tiêu nội địa yếu và đồng Yên lên giá mạnh.

Kích thích có khi là cần thiết nhưng tăng nợ công lại là vấn đề khác và không phải có lợi cho nền kinh tế. Với gói kích thích qui mô 1.100 tỷ USD này, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí "quán quân" về  nợ công với tỷ lệ 200%/GDP.
Tuy nhiên chính giới Nhật lại nghĩ khác, phản ứng của họ mang tính chủ động hơn, “Theo tôi điều này là bình thường. Chúng tôi sẽ nhanh chóng khắc phục trong thời gian sớm nhất”, phát biểu của Bộ trưởng phụ trách chính sách kinh tế và tài chính, ông Banri Kaieda.

Kinh tế thế giới đã kết thúc một năm đầy biến động, tăng trưởng vẫn là xu thế nhưng tốc độ cũng như qui mô tăng trưởng vẫn là câu chuyện dài và được "chuyển giao" sang năm mới, năm 2011.