Phông chữ
Ngày 3/12, nhật báo The Guardian của Anh đưa ra một thông tin động trời, rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cảnh cáo Berlin có thể rời khỏi hệ thống đơn vị tiền tệ euro, hiện có 16 quốc gia sử dụng đồng tiền chung này trong một cuộc tranh cãi gay gắt tại Hội nghị Thượng đỉnh khối Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối tháng 10 vừa qua. Thông tin này ngay lập tức gây chú ý mạnh mẽ dư luận quốc tế và đương nhiên bị phía Đức bác bỏ.

Tuy nhiên qua đây người ta có thể đặt câu hỏi: Đức được lợi lộc gì khi ở lại khối euro, và nước này đã phản ứng như thế nào kể từ khi đám mây đen khủng hoảng nợ công bao phủ khắp châu Âu?

Dựa theo các nguồn tin bên ngoài Chính phủ Đức tại hội nghị ở Brussels, Bỉ, trong hai ngày 28 và 29/10, tờ The Guardian số ra ngày 3/12 trong một bài viết có tựa đề “Angela Merkel warned that Germany could abandon the euro” (tạm dịch: Thủ tướng Merkel cảnh báo Đức có thể dời bỏ khu vực đồng euro) nói rằng bà Merkel đưa ra phát biểu trên tiếp theo cuộc tranh luận với Thủ tướng Hy Lạp, George Papandreou, người mà tờ The Guardian nói rằng cáo buộc bà Merkel đưa ra những đề nghị "phản dân chủ". The Guardian trích dẫn lời phát biểu của bà Merkel cho biết: "Nếu nhóm euro trở thành câu lạc bộ kiểu này, có lẽ nước Đức cần phải rút ra".

Tuy nhiên, ngay sau khi bài báo trên được phổ biến, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert, nói rằng thông tin mà The Guardian đăng tải là không chính xác và bà Merkel không có những phát biểu như vậy. Và Chính phủ Đức hoàn toàn ủng hộ đồng euro.

Để có thể hiểu được tại sao lại có "lời đồn" rằng Đức có thể sẽ rời khu vực đồng euro, có lẽ nên xem lại những phản ứng của Chính phủ Merkel kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công nổ ra tại châu Âu. Đức là quốc gia ít bị nợ công nhất của khối EU trong khi các quốc gia khác nợ nần chồng chất. Nay kêu gọi Đức phải góp tiền vào quỹ cứu nguy, thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu là điều mà đương nhiên cử tri Đức không đồng ý và đó cũng là ý muốn của Chính phủ Merkel lúc đầu. Chính vì thế mà ngay từ đầu Chính phủ Đức đã chần chừ mãi không chịu thông qua quỹ cứu trợ cho Hy Lạp. Điều này đã làm phát sinh những mâu thuẫn nội bộ khối EU, nhất là giữa Đức và Pháp. Nhiều giới chức Pháp khi đó nói rằng nếu không cứu trợ Hy Lạp, khu vực đồng euro tan rã là lỗi hoàn toàn của Đức.

Khi bi kịch Hy Lạp xảy đến, Đức phải è cổ chuộc nợ nên dân không đồng ý. Khi đó, chính quyền Đức đã bắn tiếng là có thể phải cho Hy Lạp ra khỏi khối euro - chuyện không dễ vì chưa có luật lệ cho trường hợp này. Còn dư luận Đức thì có người nói ngược là Đức nên ra khỏi khối euro. Không có đại gia trường vốn nhất là Đức, đồng euro coi như mất giá trị và khó tồn tại. Vì vậy, thay vì cấp cứu Hy Lạp, chính quyền Đức nói đến ổn định euro: mục tiêu không chỉ là giải quyết chuyện Hy Lạp mà là trấn an thị trường khiến cơn khủng hoảng khỏi lan qua Ai Len, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và đánh sụp khối euro.

Và nay trường hợp vỡ nợ của Ai Len lại đang làm sống dậy ý nghĩ ra khỏi khu vực đồng euro của người Đức. Vì sau Ai Len còn cả một danh sách đen khác gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia đang mấp mé bờ vực phá sản. Người Đức không thể è cổ mãi để lo trả nợ cho các nước thành viên khác tiêu xài bừa phứa được. Châu Âu là một câu lạc bộ kinh tế có tham vọng tiến tới thể chế liên bang châu Âu, với đồng tiền thống nhất, tiếng nói ngoại giao thống nhất, thậm chí còn đòi có lực lượng quân sự thống nhất... Đến khi khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Hy Lạp, phản ứng chung và mãnh liệt nhất lại là tinh thần quốc gia dân tộc cục bộ, vì quyền lợi của từng nước.

Nhưng nói đi thì phải nói lại, Đức cũng được hưởng lợi rất nhiều kể từ khi tham gia khối EU, đúng như lời Ngoại trưởng nước này, Guido Westerwelle, cho tờ nhật báo Berliner Zeitung hay rằng sự thịnh vượng của Đức liên hệ chặt chẽ với đồng euro. "Người Đức chúng ta có lợi lộc lớn lao nếu đồng euro ổn định và châu Âu thịnh vượng. Chúng ta xuất khẩu nhiều sang Hà Lan hơn là Trung Quốc, nhiều sang Pháp hơn là Mỹ và nhiều sang Bỉ hơn là Ấn Độ" - ông Westerwelle cho biết.

Trong 20 năm qua, Đức đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Đầu tiên là thống nhất với Đông Đức, gây không ít phí tổn và là một cản trở đối với nền kinh tế chung. Sau đó là việc đưa vào sử dụng đồng euro. Dùng đồng tiền chung khiến các chính phủ không thể giảm giá đồng tiền để thúc đẩy tăng trưởng, Đức phải đẩy chi phí lao động xuống để tăng cường khả năng sản xuất và lấy lại sức cạnh tranh. Trong khi đó một số nước khác như Tây Ban Nha và Hy Lạp, lại lựa chọn con đường chấp nhận tăng lương cho người lao động nhằm kích thích kinh tế.

Kết quả đã càng giúp Đức nới rộng khoảng cách lợi thế đối với các nước phía nam khu vực đồng euro. Tới năm 2009, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã có sức cạnh tranh tăng 13% so với các nước láng giềng kể từ năm 1998, theo một đơn vị tính toán về chi phí lao động của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Nhiều nhà kinh tế tin tưởng rằng Đức nên tiếp tục dùng đồng euro, vì lợi ích của chính nước này cũng như của châu Âu. Ông Julian Callow, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại Barclays Capital tại London, phát biểu: "Nếu phá bỏ bây giờ kinh tế Đức sẽ gặp khó khăn lớn, có thể còn lớn hơn so với phần lớn các nước khác". Mark Cliffe, chuyên gia kinh tế trưởng của ING Group, tính toán rằng nếu Đức rời bỏ đồng euro, có thể sẽ xảy ra một đợi khủng hoảng niềm tin tại châu Âu khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Ông tính toán rằng điều này sẽ khiến GDP của Đức giảm khoảng 10% trong vòng hai năm.

Trong khi giới kinh doanh Đức nhận thức rõ được lợi ích của việc giữ lại đồng euro, người dân Đức vẫn rất phẫn nộ với việc đất nước phải gánh phần lớn nhất trong gói cứu trợ 775 tỉ USD cam kết cho các nền kinh tế gặp khó khăn tại khu vực euro. 51% số người được hỏi trong một cuộc điều tra ngày 30/6/2010 bởi báo Bild cho rằng Đức nên quay lại sử dụng đồng mark, so với 1/3 hồi tháng 3/2008. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học vẫn cho rằng, việc từ bỏ đồng euro sẽ không được chính phủ của bà Merkel cân nhắc tới, ít nhất là trong thời gian ngắn hạn


N.B.
(tổng hợp)