Phông chữ
Một tiết lộ mới đây trên tạp chí Der Spiegel của Đức cho biết, Cơ quan Tình báo Cộng hoà liên bang Đức (BND) đã và đang sử dụng các chuyên gia mật mã hàng đầu của Bộ An ninh Nhà nước (STASI) thuộc CHDC Đức để phục vụ cho công tác bảo mật thông tin cho Chính phủ Đức, Thủ tướng Angela Merkel và cả các cơ quan nhà nước cấp bộ.

Từ hơn 50 năm trước, tình báo Tây Đức đã biết quá rõ năng lực siêu việt của lực lượng tình báo CHDC Đức, trong đó nổi tiếng nhất là cơ quan mật vụ có tên gọi chính thức là Bộ An ninh Nhà nước (STASI).

Không chỉ giỏi về "ngón nghề" gián điệp, STASI đặc biệt vượt trội hơn đối thủ nhờ khả năng giải mã cũng như mã hoá các bản tin tuyệt mật, những cuộc điện đàm bảo mật của lãnh đạo cao cấp.

Các chuyên gia của STASI sử dụng chiếc máy mã hoá mang ký hiệu T-310 - niềm kiêu hãnh một thời của CHDC Đức, nhưng ngày nay nó không còn được sử dụng nữa vì giới tình báo có nhiều phương tiện công nghệ hiện đại hơn để sử dụng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, một trong những thành tựu nổi bật nhất của STASI chính là đã bẻ khoá được 2 chuẩn mật mã khét tiếng thời đó là Vericrypt và Cryptophon, từng thông dụng trong thế giới phương Tây cho đến thập niên 80 thế kỷ XX.

Điều này có nghĩa là STASI đã có khả năng giải mã được các bản tin truyền bằng sóng vô tuyến của 2 cơ quan tình báo hàng đầu CHLB Đức là BND và Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp.

STASI thậm chí còn bẻ khoá được cả những mệnh lệnh hành động mà các cấp chỉ huy của BND gửi cho nhóm điệp viên ngầm GLADIO chuyên thực hiện các chiến dịch chống cộng ở Tây Âu.

Khi nước Đức thống nhất, Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl và Bộ trưởng Nội vụ Wolfgang Schauble (đương kim Bộ trưởng Tài chính Đức hiện nay) rất quan tâm đến đội ngũ chuyên gia mật mã hàng đầu của STASI vì nhiều lý do, trong đó có việc bảo đảm an ninh thông tin cho nước Đức sau thống nhất, đồng thời ngăn chặn lực lượng chất xám này "chảy" sang các đối thủ mới thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, nhất là vùng Trung Đông. Thế là Thủ tướng Kohl giao cho Bộ trưởng Nội vụ Schauble vạch ra một chương trình hành động tuyệt mật - bí mật đến nỗi cho đến ngày nay người ta mới được biết đến chương trình này.

Để thực hiện chương trình thu dụng một cách hiệu quả, Chính phủ Đức đã mời chuyên gia mật mã kỳ cựu Otto Leiberich, cựu Giám đốc Văn phòng Mật mã Trung ương (COC) trực thuộc BND và giao nhiệm vụ đánh giá, thẩm định trình độ chuyên môn của các chuyên gia STASI. Bên cạnh Bộ trưởng Schauble, chỉ có thêm 2 quan chức Bộ Nội vụ là Hans Neusel và Eckart Werthebach được tham gia. Và ngoài Leiberich ra, Chính phủ Đức cũng chỉ mời thêm 2 chuyên gia trong ngành an ninh thông tin là Hermann Schwarz và Lothar Rohde - chủ Tập đoàn công nghệ an ninh thông tin Rohde & Schwarz để cùng thực hiện chương trình.

Tập đoàn Rohde & Schwarz được hai  ông này đồng sáng lập năm 1933, là nhà cung cấp công nghệ bảo mật hàng đầu cho Chính phủ Đức. Năm 1991, theo kế hoạch đặc biệt được  Bộ Nội vụ vạch sẵn, công ty con Rohde & Schwarz SIT GmbH được thành lập, có trụ sở đóng tại tỉnh Brandenburg (Đông Đức), nhưng về sau chuyển về vùng ngoại ô Đông Berlin.

SIT được sử dụng như một bình phong để Chính phủ Đức thu dụng các cựu chuyên gia mật mã STASI mà không sợ bất cứ rào cản hay bất trắc nào. Và hàng loạt chuyên gia như thế đã được tuyển dụng vào SIT, trong đó có các chuyên gia hàng đầu như Horst M - cựu Giám đốc Cơ quan Mật mã trung ương, còn gọi là Cục XI trực thuộc STASI; Ralph W., các đồng nghiệp kỳ cựu tại Cục XI như Wolfgang K., Volker S.,... và khoảng hơn chục chuyên gia khác của STASI, hầu hết là các nhà toán học cự phách của CHDC Đức.

Bên trong SIT, các cựu chuyên gia STASI đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mã hoá các cuộc gọi điện thoại, e-mail của Thủ tướng Angela Merkel và nhiều quan chức cấp cao khác trong chính phủ, trong ngành tình báo và an ninh.

Ngoài nước Đức, mối khách hàng lớn nhất của SIT chính là NATO. Giải pháp an ninh Elcrodat do SIT cung cấp trang bị trên các tàu ngầm, hạm đội và máy bay trực thăng của NATO được đánh giá là "Cosmic Top Secret", mức an toàn bảo mật tối đa theo chuẩn NATO.

Khi các "khách hàng" lớn này có nhu cầu đặt hàng, chẳng hạn như BND cần một "bộ lọc kênh D" - tiền thân của bức tường lửa ngày nay - để bảo vệ mạng thông tin của mình, cơ quan này phải liên hệ Văn phòng An ninh thông tin Liên bang (BSI), và thông qua đơn đặt hàng được chuyển đến các chuyên gia STASI ở Công ty SIT. BSI chính là đơn vị đầu mối của chính phủ chịu trách nhiệm quản lý và giao dịch với SIT. Cơ quan này được thành lập khi Bộ trưởng Nội vụ Schauble bắt tay vào triển khai chương trình tuyển dụng các cựu chuyên gia STASI.

Mục đích tồn tại của BSI là nhằm phục vụ tốt hơn cho cơ chế đảm bảo an ninh thông tin phức tạp do Bộ Nội vụ Đức vạch ra. BSI được thành lập trên cơ sở tách Trung tâm Mật mã Trung ương của BND. Ông Leiberich được giao làm Tổng giám đốc đầu tiên của cơ quan này


Nguyên Khang (tổng hợp)