Phông chữ
Châu Âu đang đối mặt với làn sóng đánh bom khủng bố bằng bưu kiện chưa từng có nhằm vào các thể chế và các chính khách. Một loạt sứ quán châu Âu ở Hy Lạp, Lúc-xăm-bua và các chính khách nước ngoài đã trở thành “địa chỉ đến” của các “bưu kiện bom” trên.

Các lãnh đạo châu Âu - “điểm ngắm” của khủng bố

Vụ việc mới nhất xảy ra tối 2-11, khi một chuyến bay của công ty chuyển phát nhanh tư nhân TNT, đang trong hành trình A-ten (Hy Lạp) – Pa-ri (Pháp), đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Bô-lô-nha (I-ta-li-a) sau khi nhận cảnh báo trên máy bay có một gói bưu kiện khả nghi gửi Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni (Berlusconi) của I-ta-li-a. Hãng tin ANSA của I-ta-li-a cho biết, gói bưu kiện gửi ông Béc-lu-xcô-ni đã bốc cháy khi các nhân viên an ninh sân bay Bô-lô-nha tìm cách mở ra. Đây là sự cố mới nhất sau loạt sự cố bom phát nổ tại Đại sứ quán Thuỵ Sĩ và Nga tại A-ten sáng 2-11 và một quả bom bị chặn trước cửa văn phòng của Thủ tướng Đức An-giơ-la Méc-ken (Angela Merkel). Loại chất nổ vẫn chưa được xác định rõ. Cảnh sát nghi ngờ rằng gói chất nổ gửi thủ tướng Béc-lu-xcô-ni tương tự gói chất nổ đã được gửi tới Thủ tướng Méc-ken.

Tính đến tối 2-11, các lực lượng an ninh Hy Lạp đã phát hiện ít nhất 11 bưu kiện chứa chất nổ ở thủ đô A-ten, bao gồm một gói đề tên người nhận là Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy), 8 bưu kiện có địa chỉ nơi nhận là các đại sứ quán nước ngoài tại Hy Lạp, gồm Bun-ga-ri, Nga, Đức, Thuỵ Điển, Mê-hi-cô, Chi-lê, Hà Lan và Bỉ. Hai bưu kiện bom còn lại được tháo ngòi an toàn tại sân bay quốc tế A-ten ghi địa chỉ nơi nhận là Toà án Pháp lý của Liên minh châu Âu ở Lúc-xăm-bua và Cảnh sát châu Âu (Europol) đặt trụ sở ở Hà Lan.

Theo các chuyên gia an ninh châu Âu, các thiết bị được sử dụng trong các vụ đánh bom bằng bưu kiện nói trên không có khả năng gây thiệt hại lớn về người và của, cách thức tiến hành các vụ tấn công này ít có khả năng nhằm đúng mục tiêu. Tuy nhiên, làn sóng bom thư này cho thấy phạm vi hoạt động của các tổ chức cực đoan ở Hy Lạp đã "leo thang" từ trong nước ra nước ngoài. Các vụ việc này cũng cho thấy "lỗ hổng" an ninh trong các hệ thống chuyển phát quốc tế. Điều này rất nguy hiểm vì các tổ chức khủng bố ở Y-ê-men cũng chọn hệ thống vận chuyển hàng hoá đường không làm mục tiêu tấn công với các thiết bị nổ có sức công phá mạnh hơn nhiều.

An ninh hàng không được siết chặt

Theo Nhật báo phố Uôn, nguồn tin cảnh báo cho các cơ quan an ninh về âm mưu đánh bom bưu kiện được phát hiện cuối tuần qua là từ một phần tử al-Qaeda tên là Gia-bi An Phay-phi (Jabir al-Fayfi), từng bị giam giữ trong nhà tù của Mỹ trên Vịnh Goan-ta-na-mô.

Phay-phi được trả tự do vào cuối năm 2006 dưới sự giám sát của A-rập Xê-út, nhưng sau đó gia nhập al-Qaeda ở Y-ê-men năm 2008. Chính quyền Y-ê-men và A-rập Xê-út đã đưa Phay-phi vào danh sách các phần tử khủng bố bị truy nã gắt gao nhất từ cuối năm 2009, không lâu sau khi al-Qaeda tuyên bố sáp nhập chi nhánh ở Y-ê-men và A-rập Xê-út. Tuy nhiên, Phay-phi đã bị bắt lại tại Y-ê-men vào trung tuần tháng 9 vừa qua. Ngày 16-10, Phay-phi đã chịu đầu hàng và trở về A-rập Xê-út với lý do nhớ nhà và muốn đoàn tụ gia đình. Nguồn tin của Phay-phi đã giúp chặn đứng hai kiện hàng có chứa chất nổ vào Mỹ trong chuyến bay xuất phát từ Y-ê-men hồi tháng 9.

Theo lời khai của Phay-phi, các hộp mực in được thiết kế để đưa lên máy bay, và các mạch điện thoại di động trong các kiện hàng này có thể được sử dụng làm thiết bị hẹn giờ để kích hoạt thuốc nổ. Việc tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda gửi 3 gói hàng gồm sách vở, giấy tờ, đĩa CD và một số vật dụng khác bằng đường không từ Y-ê-men đến Chi-ca-gô (Mỹ) chính là động thái thăm dò cách thức tiến hành các cuộc đánh bom bằng bưu kiện sau này.

Thông tin này một lần nữa khiến nhiều nước lo ngại. Mỹ, Anh, Đức, Ca-na-đa và Hà Lan đã quyết định tăng cường các biện pháp an ninh hàng không. Anh đã đưa ra nhiều hạn chế tạm thời cho việc vận chuyển các hộp mực in lớn bằng máy bay. Các hộp mực in trên 500g bị cấm mang theo trong hành lý của hành khách và trong các kiện hàng tới Anh, quá cảnh Anh hoặc rời khỏi Anh. Bộ trưởng Nội vụ Anh Te-rê-xa May (Teresa May) cho biết, các biện pháp sẽ được áp dụng một tháng, trong thời gian xem lại “tất cả các mặt” an ninh hàng không. Trong khi đó, Hy Lạp đã cho ngừng các chuyến bay vận chuyển thư và bưu kiện trong vòng 48 giờ để kiểm tra.

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma (Barack Obama) cũng có hàng loạt cuộc họp cấp cao nhằm tìm cách đối phó với tình hình. Các cuộc họp này bàn nhiều vấn đề về an ninh và quy mô viện trợ cho Y-ê-men. Một phần trong kế hoạch của Mỹ là Cơ quan An ninh Vận tải (TSA) sẽ có mặt lâu dài ở Y-ê-men trong vài năm tới. Bên cạnh việc cung cấp thêm thiết bị và huấn luyện các cơ quan của Y-ê-men về cách giám sát hàng hoá qua màn hình, TSA cũng sẽ làm việc với Bộ Nội vụ Y-ê-men để xem xét việc thuê mướn cơ sở mới.

Bình Nguyên