Phông chữ

Chính phủ Đức và chính quyền các vùng liên bang đã thoả thuận chung đưa ra một loạt biện pháp thắt chặt chính sách di cư và tị nạn để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào Đức trong bối cảnh kinh tế suy thoái và sự mở rộng ảnh hưởng của chủ nghĩa cực hữu.


Foto: Đức muốn tăng cường kiểm soát biên giới nội bộ châu Âu. Ảnh: Euronews


Theo các nội dung đáng chú ý trong thoả thuận chung ngày 7/11, chính phủ Đức và các vùng liên bang sẽ ưu tiên hàng đầu các điều khoản rút ngắn thời gian xử lý các đơn xin tị nạn, đồng thời đẩy nhanh xử lý thời hạn kháng cáo pháp lý đối với những đơn bị từ chối thay vì sẽ kéo dài trong nhiều năm như trước.

Thứ hai, Đức sẽ thúc đẩy việc ký kết các thoả thuận di cư với các quốc gia gốc của người di cư hoặc là với những quốc gia trung chuyển nhằm đơn giản hoá việc trục xuất những trường hợp nhập cư bất hợp pháp. Đổi lại, công dân những quốc gia này sẽ được Đức tạo điều nhập cảnh nếu đủ điều kiện hợp pháp.

Thứ ba, Đức muốn tăng cường kiểm soát biên giới nội bộ châu Âu và có kế hoạch kiểm tra tình trạng hợp pháp của những người xin tị nạn ở các nước thứ ba. Ngoài ra, chính sách đoàn tụ gia đình tại Đức cũng sẽ được cải cách theo hướng thắt chặt.

Đây có thể xem là sự đảo chiều trong chính sách nhập cư và tị nạn của Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu dưới thời Thủ tướng Angela Merkel vốn nổi tiếng là “cởi mở” với người nhập cư để đáp ứng nhu cầu lớn về nhân lực.

Trước đó, trả lời với tờ “Tấm gương” (Spiegel), Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận Đức đã tới ngưỡng tiếp nhận và sẽ phải trục xuất một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp.

Theo Văn phòng Di trú và Tị nạn Đức, số lượng đơn xin tị nạn vào Đức đang ở mức rất cao với hơn 250.000 yêu cầu chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023 và có thể lên 300.000 vào cuối năm nay, vượt xa con số 240.000 đơn tị nạn trong năm 2022. Ngoài ra, Đức cũng phải tiếp nhận khoảng 1,2 triệu người Ukraine tị nạn sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Theo các nhà phân tích địa bàn, chính phủ Đức buộc phải thắt chặt chính sách nhập cư và tị nạn trước sức ép từ bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái và lực lượng cực hữu tập trung khai thác chủ đề này để mở rộng ảnh hưởng.

Trong các cuộc bầu cử địa phương diễn ra vào đầu tháng 10/2023, các đảng trong liên minh cầm quyền tại Đức đều mất điểm, xếp sau liên minh đối lập dân chủ thiên chúa giáo (CDU/CSU) và thậm chí sau cả đảng theo xu hướng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD).

Mạnh Hà/VOV-Paris