Phông chữ

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier mới đây đã ra lời kêu gọi khẩn cấp về việc cải cách và tiêu chuẩn hóa chính sách tị nạn của châu Âu.


Foto: Người di cư chờ làm thủ tục đăng ký cư trú tại Berlin, Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Italy Sergio Mattarella ở Sicily ngày 21/9, nơi hai nguyên thủ quốc gia đến thăm một trung tâm dành cho người tị nạn, ông Steinmeier khẳng định: “Phải đạt được tiến bộ, điều đó thậm chí không còn nghi ngờ gì nữa”.

Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh rằng thế giới không còn tuân thủ Hiệp định Dublin, một quy định nhằm nhanh chóng xác định và quy trách nhiệm của quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đối với thủ tục xin tị nạn. Tổng thống Steinmeier cũng bày tỏ hy vọng Đức và Italy sẽ thảo luận về chính sách di cư trong những tháng tới.

Trước đó, ông Steinmeier thừa nhận Đức đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận thêm người di cư, đồng thời kêu gọi kiểm soát biên giới và “phân bổ công bằng” người di cư trong EU. Theo ông Steinmeier, Đức, cũng giống như Italy, đang ở mức giới hạn năng lực của mình”. Để hạn chế số lượng người đến châu Âu, nhà lãnh đạo Đức cho rằng cần phải “kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn ở biên giới vành ngoài EU.

Thống kê mới nhất cho thấy trong những ngày qua, hàng nghìn người di cư đã đến đảo Lampedusa của Italy, khiến chính quyền địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Rất nhiều người trong số này đến từ khu vực Bắc Phi, trong đó Libya và Tunisia được coi là các quốc gia cửa ngõ để vào châu Âu.

Ông Steinmeier đang có chuyến thăm Italy 3 ngày để thảo luận với người đồng cấp Mattarella về các vấn đề hợp tác, di cư và biến đổi khí hậu cũng như các vấn đề phát sinh trong bối cảnh làn sóng di cư bất thường đến miền Nam Italy gia tăng đột biến.

Liên quan đến tình hình chính trị tại Libya, tổng thống Đức và Italy kêu gọi các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này theo đuổi giải pháp hòa bình. Trong tuyên bố chung ra ngày 21/9, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích tất cả các nhà hoạt động chính trị chú ý đến lời kêu gọi hòa bình và ổn định của người dân Libya dựa trên ý thức đổi mới về mục đích và đoàn kết dân tộc”.

Libya đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011. Mâu thuẫn về quyền kiểm soát chính phủ cũng như về một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột bạo lực kéo chưa thể giải quyết.

Phương Hoa (TTXVN)