Phông chữ
Hai thập niên đã trôi qua kể từ ngày nước Đức thống nhất (3.10.1990 – 3.10.2010). Dù vẫn còn những bất cập, nhưng nhìn chung những khoảng cách giữa hai miền đông – tây đã được thu hẹp lại đáng kể nhờ đà gia tăng phát triển khá ngoạn mục của các bang miền đông.

Câu chuyện thành công

Trả lời phỏng vấn tuần báo Đức Super Illu (có độc giả chủ yếu ở miền đông) trước lễ kỷ niệm, Thủ tướng Angela Merkel nói bà hài lòng với những kết quả đạt được sau khi nước Đức thống nhất bất chấp sự khởi đầu đầy sóng gió, bởi những lợi ích thu được có nhiều tác dụng hơn những khó khăn trên con đường dài này.

"Với tôi, điểm mấu chốt là kết quả của 20 năm thống nhất về cơ bản là tích cực” – bà Merkel nhấn mạnh, đồng thời nhận xét rằng: kể từ năm 1990 người dân đông Đức đã điều chỉnh được rất tốt cuộc sống vốn bị thay đổi rất mạnh của mình, để nhanh chóng phù hợp với các bang miền tây.

Vốn là một người xuất thân từ miền Đông, bà Merkel từng là phó phát ngôn viên cho chính phủ lâm thời phía đông trước khi Đức thống nhất của ông Lothar de Maiziere.

Bà Thủ tướng cũng thừa nhận vẫn còn đó những khoảng cách đông – tây. Bất chấp sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Đức, người miền đông vẫn tiếp tục phải chịu những sự chưa tương xứng so với miền tây. Ví dụ rõ nhất là tỉ lệ thất nghiệp ở mức 11.5% (hồi tháng Tám năm nay), so với chỉ 6,% ở các bang miền tây.

Nhưng bà Merkel nêu rõ rằng đa số người dân đã bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử ở miền đông ủng hộ cho các đảng phái hậu thuẫn một nước Đức thống nhất. Và nay, bà tin tưởng rằng hiệp ước đoàn kết mà theo đó các bang miền đông vẫn nhận được sự hỗ trợ phát triển từ các bang miền tây, sẽ không còn cần phải mở rộng thêm nữa sau khi kế hoạch này kết thúc vào năm 2019, vì “mức độ thịnh vượng ở miền đông sẽ tiếp cận mức của miền tây vào thời điểm đó”.

Nhìn chung, xét trên đa số các quy chuẩn thì Đức - quốc gia lớn nhất EU này vẫn là một câu chuyện thành công, vẫn là một cường quốc kinh tế tự hào về tỉ lệ xuất khẩu cao, tỉ lệ thất nghiệp thấp và sự tự tin về ổn định chính trị gia tăng.

Bám sát và đuổi kịp

Nhiều người đã gọi đó là điều kỳ diệu sau cuộc cách mạng diễn ra một cách hòa bình năm 1989 và nước Đức thống nhất gần một năm sau đó. Thủ tướng Đức khi đó là ông Helmut Kohl đã hứa với người dân miền đông là họ sẽ được thấy những khung cảnh tươi đẹp.

Trải qua không ít khó khăn và trắc trở, nay thì mức sống ở các bang miền đông cũ đã được cải thiện nhờ hàng tỉ euro vốn đã được chuyển từ tây sang đông. Khoảng cách đông – tây nay đã thu hẹp lại, theo kết quả thăm dò mới nhất do Viện nghiên cứu kinh tế Ifo ở Munich thực hiện và công bố ngày 3/10 trên Super Illu.

Theo đó, mức sống của người dân miền đông đã được cải thiện mạnh từ năm 1991 đến 2009. GDP của các bang miền đông đã tăng gấp đôi, trong khi GDP miền tây chỉ tăng 12%. Mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình khoảng 13.870 USD ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ (tức là bằng 35 % so với mức của miền tây), thì tới năm 2008 mức này đã tăng lên tới 53%.

Về sự cải thiện mức lương, về lương hưu, về phát triển kinh tế, giáo dục và y tế, chính phủ Đức nay “đã gần đạt” các mục tiêu đề ra với miền đông. Super Illu kết luận.

Tổ chức INSM – nhóm vận động hành lang rất có ảnh hưởng, cũng đã công bố một số nghiên cứu cho thấy đà đi lên của nền kinh tế năng động đang ngự trị ở các bang miền đông. Kết quả đó cũng phù hợp với những dấu hiệu gần đây thể hiện qua những số liệu về thị trường lao động Đức vừa công bố hai tuần trước, cho thấy tình trạng thất nghiệp tại sáu bang đông Đức trước đây đã lần đầu tiên kể từ năm 1991 giảm mạnh xuống dưới mức 1 triệu người.

Bình luận về những con số này, ông Heinrich Alt, một quan chức cấp cao của cơ quan Lao động Liên bang (FLA), nói với Bloomberg: "miền Đông đang được hưởng lợi trên mức trung bình từ sự đi lên của nền kinh tế và tôi chờ đợi sự phát triển đó tiếp tục”.

Tuy nhiên, ông Matthias Platzeck - chính trị gia dân chủ xã hội có tiếng từ năm 2002 trở thành tướng bang Brandenburg năng động kinh tế nhất của Đức – vẫn cảnh báo khả năng có xáo động, bởi ông tin đã có những sai lầm xảy ra trong việc thống nhất nước Đức có phần vội vã. Dẫu vậy, ông Platzeck cũng nhận xét rằng, các kết quả này phản ánh thực tế là người miền đông làm việc tích cực hơn để tăng tốc phát triển kinh tế của mình.

Khánh Tùng (Theo Spiegel, Deutsche Welle…)