Phông chữ

Ngày 26/11, Viện Robert Koch (RKI) thông báo, trong 24 giờ qua, trên toàn nước Đức ghi nhận hơn 76.000 ca mắc COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay, và 357 ca tử vong. Trong bối cảnh đó, nhiều chính trị gia Đức cho biết không loại trừ khả năng tái áp đặt phong tỏa trong thời gian tới.


Foto: Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, số liệu của RKI cho thấy, trong 24 giờ qua, nước Đức có thêm 76.414 ca mắc COVID-19, tăng mạnh so với mức 52.970 ca một tuần trước đó. Số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày cũng ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân là 438,2, mức cao kỷ lục cho tới nay. Một tuần trước, chỉ số này chỉ là 340,7 và một tháng trước là 113,0. Tỷ lệ nhiễm mới tại 8/16 bang tăng lên mức cao chưa từng thấy, trong đó bang Baden-Württemberg ghi nhận có thêm hơn 11.400 ca mắc mới, bang Nordrhein-Westfalen gần 9.800 ca và Niedersachsen gần 3.700 ca.

Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 liên tục chạm các mốc cao kỷ lục mới, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi có thêm những biện pháp cần thiết để đẩy lùi dịch bệnh. Truyền thông Đức cho biết trước đó, Thủ tướng Merkel đã đề nghị các nhà lãnh đạo liên minh "Đèn giao thông" đang đàm phán thành lập chính phủ tiếp theo cần ngay lập tức áp dụng biện pháp phong toả trên toàn quốc, song dường như đề nghị này không được những người cầm quyền tiếp theo chấp thuận.

Báo Bild ngày 26/11 dẫn lời Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (FDP) Christian Lindner, người sẽ là Bộ trưởng Tài chính Đức trong chính phủ mới, kêu gọi các bang ở Đức cần ngay lập tức sử dụng mọi công cụ pháp lý trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Theo ông, ngoài viện hạn chế tiếp xúc hay các quy định về giữ khoảng cách và vệ sinh dịch tễ, các bang còn nhiều công cụ pháp lý khác chưa được tận dụng, như việc có thể hạn chế các sự kiện tụ tập đông người. Đồng Chủ tịch đảng Xanh Annalena Baerbock, người sẽ là Ngoại trưởng Đức, cảnh báo bà không bác bỏ khả năng có thể áp dụng thêm các biện pháp phong toả và yêu cầu tiêm chủng bắt buộc trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay. Trong khi đó, đồng Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cũng không loại trừ việc áp dụng phong toả vào mùa Đông này. Bà yêu cầu phải áp dụng triệt để và có sự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy tắc 2-G (đã tiêm, đã khỏi bệnh) và 2-G+ (đã tiêm và đã khỏi, nhưng vẫn cần xét nghiệm) được áp dụng ở các khu vực khác nhau.

Hiệp hội bác sĩ Marburg kêu gọi tất cả người dân chung tay ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hiệp hội kêu gọi người dân cùng bày tỏ tình đoàn kết với các y bác sĩ đang ngày càng cạn kiệt sức lực khi họ phải phải chăm sóc các bệnh nhân ở các bệnh viện, trong khi nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng cũng cần được chăm sóc tích cực, không chỉ các bệnh nhân mắc COVID-19. Hiệp hội kêu gọi người dân cùng hợp sức phá vỡ làn sóng lây nhiễm thứ tư hiện nay bằng cách đi tiêm phòng, tiêm nhắc lại, giảm tiếp xúc ở mức tối thiểu, tránh tụ tập đông người và các sự kiện lớn cũng như tuân thủ các quy tắc về giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.

Tính đến ngày 25/11, Đức đã tiêm chủng ít nhất một mũi cho 70,8% dân số, tương đương 58,9 triệu người, trong đó 68,2% đã tiêm đầy đủ (56,71 triệu người) và gần 9% đã tiêm mũi tăng cường (7,3 triệu người). Hiện trên 51% số người từ 12-17 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi, trong đó 45,5% đã tiêm đầy đủ.

Mạnh Hùng (TTXVN)