Phông chữ
Bài viết trên tạp chí Đức Spiegel về ngày tưởng niệm vụ khủng bố 11.9.2001 đã đặt ra mối quan ngại rằng, ngày này không còn là ngày hòa giải.

Năm nay, từ kế hoạch xây đền thờ và trung tâm văn hóa Hồi giáo gần Sàn số không ở New York đến ý định đốt kinh Koran ở Florida, khiến ngày tưởng niệm mang nhiều màu sắc nghi kỵ và tranh cãi.

Gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố 11.9 mới đây đã ký tên dưới lá thư chung bày tỏ mong muốn ngày tưởng niệm chỉ đơn giản là một ngày tưởng nhớ phi chính trị, họ kêu gọi ngừng mọi cuộc biểu tình cho dù là ủng hộ hay phản đối những vấn đề gây tranh cãi như xây đền thờ Hồi giáo hay đốt kinh Koran trong ngày 11.9. Nhưng với những người phản đối việc xây đền tại Sàn số không ở New York – vị trí của hai tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới bị máy bay đâm cách đây 9 năm,  thì bức thư không có tác dụng; ngược lại, họ cho rằng đây là lúc nên tập hợp nhất để phản đối đền thờ.

Spiegel cho rằng, việc này cho thấy ngày tưởng nhớ đã trở thành ngày gây tranh cãi, thành ngày của các cuộc tranh luận chính trị, không chỉ ở New York mà ở khắp nước Mỹ.

Tại Florida, mục sư Terry Jones ở thành phố Gainsville hôm 9.9 tuyên bố hủy bỏ kế hoạch đốt kinh Koran để phản đối chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tại nhà thờ của ông, nhưng sau đó nói rằng ông sẽ xem lại quyết định này.

Spiegel cho rằng, những tranh luận xung quanh các sự kiện trên trong dịp 11.9 là khá mới mẻ. Từ những năm qua, ngày này ở Mỹ được coi là ngày hòa giải, nước Mỹ gần gũi nhau hơn sau vụ 11.9, rào cản đảng phái tạm dẹp sang một bên. Các chính trị gia Mỹ có vẻ quyết tâm không muốn để vụ 11.9 phá hoại sự hội nhập thành công của hàng triệu người Hồi giáo trong xã hội Mỹ.

Tuy nhiên, gần đây, tinh thần hòa giải này đang bị đe dọa biến mất. Mùa hè vừa qua còn xảy ra vụ một lái xe taxi người Hồi giáo bị đâm và diễn ra các cuộc phản đối trước các đền thờ Hồi giáo Mỹ.

Một số tổ chức Hồi giáo Mỹ đã tuyên bố không kỷ niệm ngày kết thúc tháng ăn chay Ramadan một cách quá linh đình như thường lệ, bởi ngày này năm nay lại trùng vào 11.9. Họ sợ rằng các nghi lễ tôn giáo sẽ bị hiểu lầm là ăn mừng vụ khủng bố 11.9.  

Khung cảnh chính trị năm nay ở Mỹ khá nhạy cảm. Bất kỳ ai thể hiện sự khoan dung cũng đều bị nghi ngờ. Tổng thống Obama tỏ ý thông cảm với việc xây đền thờ Hồi giáo ở gần Sàn số không đã khiến ông bị phản đối dữ dội và ông phải rút lại sự thông cảm đó. Năm nay, các cố vấn của ông không muốn ông dự kỷ niệm ở Sàn số không vì e ngại sự có mặt của ông sẽ gây tranh cãi lớn hơn về đền thờ. Sự phân cực chính trị đã trở nên mạnh mẽ hơn cả hành động tưởng niệm.

Spiegel bình luận: Tổng thống Mỹ vừa ăn mừng việc rút lính Mỹ khỏi Iraq – đánh dấu việc bắt đầu chấm dứt một cuộc chiến có thể gọi là phản ứng thái quá đối với vụ 11.9. Sau 9 năm, cuộc chiến ở nước ngoài có vẻ đang đến hồi thoái trào. Ngược lại, cuộc chiến trong nước có thể mới đang bắt đầu.

M.Y (Theo Spiegel)