Phông chữ

Một phát thanh viên người Đức đến từ đài radio BAYERN 3 tên là Matthias Matuschik đang vấp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng người hâm mộ quốc tế của nhóm nhạc Hàn Quốc - BTS. Nguyên nhân xuất phát từ những phát ngôn phân biệt chủng tộc mà người này dành cho nhóm nhạc 7 thành viên mới đây. Cụ thể, trong một chương trình của đài radio BAYERN 3, Matthias đã so sánh các thành viên BTS với COVID-19, cùng một thái độ đùa cợt với câu nói “hy vọng sẽ sớm có vắc – xin“. Chưa dừng lại ở đó, mặc dù đang cố gắng bảo vệ bản thân bằng cách thừa nhận mình không hề ghét người nước ngoài, thế nhưng Matthias lại tiếp tục đưa ra những lời lẽ đầy ẩn ý dành cho đất nước Hàn Quốc.


Foto: BTS trong MTV Unplugged Presents


Đặc biệt, nam phát thanh viên này còn đề cập đến bản cover “Fix You” của BTS trong chương trình “MTV Unplugged” vừa qua và đưa ra những lời bình phẩm không mấy tích cực dành cho màn trình diễn này. “Họ khoe khoang rằng sẽ hát lại ca khúc “Fix You” của Coldplay. Tôi là một người không mấy quan tâm nhưng nghe nó thật thái quá“, một khán giả đã phiên dịch lại lời nói của Matthias.

Ngay lập tức, ARMY (fandom của BTS) đã đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ trước những hành động và lời nói mang tính chất xúc phạm kể trên. Đồng thời cùng nhau gửi email tới công ty chủ quản của BTS để thông báo sự việc. Không những thế, một nhóm hoạt động chống phân biệt đối xử với người châu Á ở Đức cũng đã đưa ra bình luận về vấn đề này và đã nhận được phản hồi của Matthias. Tuy nhiên, người này vẫn giữ nguyên thái độ tiêu cực của mình.

Dưới sức ép từ dư luận, không lâu sau đó cả Matuschik và đài BAYERN 3 đều phải cúi đầu xin lỗi:

“Tôi thực sự thất vọng và lo lắng bởi những gì bản thân đang đối mặt bởi phát ngôn trên đài, nên hơn hết tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất về lỗi lầm tôi gây ra. Thực sự là tôi chỉ tức giận vì BTS cover lại bài của Coldplay thôi chứ quốc tịch không phải là vấn đề ở đây, nhưng việc so sánh nhóm với virus vẫn là lỗi lầm lớn.

Tôi không hề có ý định phân biệt chủng tộc, hay kì thị ai cả, nhưng tôi nhận ra rằng ngôn ngữ mà tôi nói ra mới là thứ gây ra vấn đề chứ không phải nằm ở ý định hay không.

Những người đã biết đến tôi từ trước đó đều thấy rằng bên cạnh công việc chính là Dj và nghệ sĩ Cabaret, kể từ sự kiện làn sóng dân tị nạn năm 2015, tôi cũng là nhà hoạt động năng nổ ủng hộ những người đang tìm kiếm sự bảo vệ và đấu trang cho quyền bình đẳng.

Tôi càng thấy nặng lòng hơn khi mà nghĩ tới việc đã khiến nhiều người tổn thương khi không suy nghĩ kỹ trước khi nói, và đẩy bản thân vào tình trạng tệ hại. Tôi đã học được bài học đắt giá từ sự việc lần này”

Bản gốc tiếng Đức

HVTH