Phông chữ
Là người ủng hộ chủ nghĩa Do Thái, bà Merkel đã đưa ra chính sách ủng hộ vô điều kiện đối với Chính phủ Israel trên tư cách cá nhân, trong khi quan điểm chính thức của Đức lại hướng tới hòa bình giữa Palestine và Israel. Chính thái độ này của bà Merkel đã làm tê liệt các hoạt động của Liên minh châu Âu ở Trung Đông.

Từ trước đến nay, các nhà chức trách Đức gặp nhiều khó khăn khi chỉ trích Israel vì Đức chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát người Do Thái trong Thế chiến II và vì nghĩa vụ đạo đức mà đất nước này bị gắn chặt với sự tồn tại của Nhà nước Israel. Điều đó có ý nghĩa rất lớn với bà Merkel, người luôn muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Israel. Quan điểm của bà Thủ tướng đã gây thêm khó khăn cho việc Liên minh châu Âu muốn thể hiện một tiếng nói thống nhất đối với Trung Đông.

Nhưng đường lối chính trị của bà Merkel lại không thống nhất. Cuối năm 2005, khi trúng cử Thủ tướng lần đầu tiên, bà Merkel đưa quyền con người và hòa bình lên hàng đầu. Bà đã chỉ trích chính sách của Trung Quốc liên quan đến nhân quyền và năm 2007, bà Merkel đã tạo ra nhiều tranh cãi khi quyết định gặp gỡ Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, tại Phủ Thủ tướng Đức. Trung Quốc ngay lập tức đã cảnh báo bà Merkel rằng điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như là hủy các hợp đồng kinh tế lớn.

Tiếp sau đó bà Merkel còn gặp gỡ một vài tổ chức phi chính phủ từng bị Chính phủ Nga cấm hoạt động. Điều này đã khiến mối quan hệ giữa Berlin và Moskva trở nên lạnh nhạt. Nhưng liên quan đến Trung Đông, bà Merkel tỏ ra ít quan tâm đến điều kiện sống cực khổ của người Palestine ở Dải Gaza, cho những người dân nhập cư Israel và đối với các chính sách đàn áp của Israel. Các nghị sĩ Đức và các nhà phân tích chính trị cho rằng, trong số những thủ tướng Đức kể từ sau Thế chiến II đến nay, bà Merkel là người có quan điểm thân với Israel nhất.

Ông Ruprecht Polenz thuộc đảng Bảo thủ, Chủ tịch  Ủy ban Ngoại giao của Hạ viện Đức cho biết: "Bà Thủ tướng có mối quan hệ mật thiết với Israel". Tình cảm đó thân thiết đến độ bà Merkel đã không chỉ trích vụ Israel oanh kích Dải Gaza vào cuối năm 2008 khiến nhiều người dân thiệt mạng. Điều này là hoàn toàn trái ngược với những gì bà đưa ra khi giới lãnh đạo của Iran phản ứng mạnh mẽ trước việc phe đối lập tố cáo nước này gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống. Bà Merkel là một trong rất ít nguyên thủ quốc gia công khai chỉ trích chế độ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và thậm chí còn yêu cầu bầu cử lại. Ông Polenz cho là mỗi Thủ tướng Đức đều cảm thấy phải có trách nhiệm bảo vệ Israel vì nạn diệt chủng trước đây.

Liên quan thái độ của Berlin đối với Trung Đông, ông cho biết: "Chúng tôi không trung lập nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không được nêu ý kiến với người bạn Israel của chúng tôi". Với bà Merkel thì hoàn toàn khác. Trong vai trò của Thủ tướng, bà tự đề ra cho mình 3 ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại: quan hệ tốt hơn với Mỹ, quan hệ thân thiết hơn với Israel và gia nhập vào nội bộ Liên minh châu Âu.

Việc gia nhập Liên minh châu Âu vốn phụ thuộc vào sự hợp tác giữa Pháp và Đức thì không có gì thay đổi. Bà Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã không đưa ra được bất cứ một sáng kiến nào mới để hợp nhất châu Âu và mang lại nhiều sự tin cậy hơn để đưa khối này xứng với vai trò của một tác nhân quốc tế. Mặt khác, bà Merkel quan tâm đến lợi ích của Đức hơn là lợi ích của cộng đồng châu Âu. Israel là thành công duy nhất của bà Merkel. Đối nghịch với lời khuyên của giới ngoại giao Đức, Chủ tịch Liên minh Thiên Chúa giáo - Dân chủ - bà Merkel vẫn giữ vững lập trường trung thành với Israel và đã gọi Israel là "Nhà nước Do Thái" trong hiệp ước liên minh với đảng Dân chủ tự do vào tháng 10/2009. Người Israel hài lòng về điều đó.

Theo lời giải thích của ông Efraim Inbar, Giám đốc của Trung tâm Begin-Sadat Center for Strategic Studies, thuộc Đại học Bar-Ilan, gần thành phố Tel-Aviv: "Đó chính là mục đích chính sách của chúng tôi để Israel được thừa nhận là một Nhà nước Do Thái".

Chuyến viếng thăm Đức vào tháng 1/2010 của Thủ tướng Israel B.Netanyahu là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo hai nước Đức và Israel gặp nhau trên lãnh thổ Đức. Sau chuyến viếng thăm Israel vào năm 2008, bà Merkel đã mở đầu cho cuộc họp mặt đặc biệt này mà từ trước tới nay chỉ có với một số nước như Pháp, Ba Lan và Nga. Vào thời điểm đó, bà đã có vinh dự hiếm hoi được phát ngôn trước nghị viện Israel.

Bà Muriel Asseburg, chuyên gia phân tích về vấn đề Trung Đông thuộc Viện Stiftung Wissenschaft und Politik tại Berlin, cho rằng đường lối của bà Merkel đối với Israel chịu ảnh hưởng từ việc bà lớn lên tại CHDC Đức, chính thể từng chối bỏ trách nhiệm với thời Đức Quốc xã, trách nhiệm trong Thế chiến II và chủ nghĩa diệt chủng. Vì lẽ đó, trong cuộc họp báo ngày 18/1/2010, bà Asseburg khẳng định bà Merkel tránh công khai chỉ trích chính sách và việc chiếm đóng của Israel qua phát biểu cho rằng đây có lẽ là thời điểm để Israel và Palestine tái lập tiến trình hòa bình. Mục đích ưu tiên của bà Merkel không phải tham gia vào tiến trình hòa bình mà là củng cố các mối liên hệ với Israel mà không cần tính đến xung đột ở Trung Đông.

Lựa chọn này trái ngược với vai trò của Đức trong công cuộc bảo vệ tiến trình hòa bình và giải quyết vấn đề giữa hai nước nhằm đảm bảo tốt an ninh của Israel cũng như đáp ứng sự chờ đợi của người dân Palestine. Nhưng giới chuyên gia cho rằng sách lược này sẽ không được áp dụng. Bà Asseburg nhận định: "Quan điểm gây tranh cãi liên quan đến chính sách chiếm đóng và định cư cũng như việc tham dự tích cực của Đức trong tiến trình hòa bình thực tế bắt nguồn từ trách nhiệm lịch sử và không hẳn là vì nạn nhân của chủ nghĩa diệt chủng".

Chuyện này không thể diễn ra dưới thời của bà Merkel. Điều đó có nghĩa là Israel dù chịu chỉ trích nặng nề từ phía các nước khác thuộc Liên minh châu Âu thì vẫn sẽ luôn luôn có một đồng minh đặc biệt trong chính khối này. Và trong tương lai gần, châu Âu sẽ không còn có thể giúp giải quyết xung đột Israel và Palestine


Nguyễn Bảo (tổng hợp)