Phông chữ

Đức muốn chấm dứt các cách tiếp cận riêng rẽ giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về việc hạn chế đi lại trong khu vực khi các ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng trên khắp châu lục này.


Foto: Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Frankfurt/M, Đức. Ảnh: THX/TTXVN


Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong tài liệu thảo luận được công bố trước thềm cuộc họp giữa đại diện các nước thành viên EU, dự kiến diễn ra vào ngày 2/9 tới, Đức đã đưa ra một số đề xuất cho sự hợp tác và cách tiếp cận chung trong việc đối phó với đại dịch COVID-19.

Berlin nhấn mạnh bên cạnh trách nhiệm thực hiện các biện pháp được cho là phù hợp, các nước thành viên EU cũng cần loại bỏ cách tiếp cận riêng rẽ đối với việc hạn chế đi lại nhằm tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn xảy ra hồi tháng 3 khi các nước tự ý đưa ra quyết định đóng cửa biên giới mà không tham vấn trước.

Là nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Đức đang bị chi phối bởi phản ứng của các nước châu Âu đối với đại dịch COVID-19. Những phản ứng này thường gây ra sự hỗn loạn khi các nước thành viên tự ý thực hiện các biện pháp riêng đối phó với dịch bệnh, trong đó có quyết định đóng cửa biên giới mà không thông báo, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.

Hiện các nước thành viên EU đang sử dụng các tiêu chí khác nhau để áp đặt hạn chế đi lại và những quốc gia này cũng có thể quyết định đóng cửa biên giới mà không cần đưa ra cảnh báo, như trường hợp của Hungary.

Ngày 28/8 vừa qua, Hungary một lần nữa tuyên bố đóng cửa biên giới do lo ngại làn sóng dịch bệnh mới bùng phát tại nước này.

Theo đó, từ ngày 1/9, công dân nước ngoài sẽ không được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Hungary trong khi các công dân nước này trở về từ nước ngoài sẽ phải cách ly 14 ngày hoặc phải trình giấy chứng nhận hai lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Theo số liệu của worldometers.info, đến sáng 1/9 (giờ Việt Nam), châu Âu đã ghi nhận hơn 3,5 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó số ca tử vong là hơn 207.000 người.

Các nước EU đứng đầu danh sách bệnh nhân là Tây Ban Nha (462.000 người), Anh (335.000 người), Pháp (281.000 người...Đức ở vị trí thứ 6 với hơn 244.00 bệnh nhân COVID-19, trong đó 9.300 người đã tử vong./.

TTXVN