Phông chữ

Số ca nhiễm mới ở Đức chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi tỷ lệ lây nhiễm mới tiếp tục tăng hằng ngày, trung bình 4.000-5.000/ngày. Theo Chánh Văn phòng Chính phủ Đức Helge Braun, đỉnh dịch tại Đức vẫn còn ở phía trước và nhiệm vụ của Chính phủ Đức hiện nay là chuẩn bị mọi phương án cho người dân vào thời điểm khó khăn nhất của dịch.


Foto: Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 khi mua sắm tại chợ ở Leipzig, Đức ngày 4/4/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)


Theo số liệu do Đại học Johns Hopkins của Mỹ công bố, tính đến 9h ngày 5/4 theo giờ địa phương, trên toàn nước Đức đã ghi nhận 100.123 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 1.584 ca tử vong.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Berlin cho hay số ca nhiễm mới ở Đức chưa có dấu hiệu thuyên giảm khi tỷ lệ lây nhiễm mới tiếp tục tăng hằng ngày, trung bình 4.000-5.000/ngày.

Hiện bang Bayern tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất với 24.350 ca và 411 ca tử vong, bang Nordrhein-Westfalen với trên 20.500 ca và 258 ca tử vong, trong khi bang Baden-Württemberg hiện có gần 19.300 ca và 383 ca tử vong.

Các bang còn lại ghi nhận từ gần 400 ca ở bang Bremen đến 6.000 ca ở bang Niedersachsen. Thủ đô Berlin hiện có gần 3.700 ca với 26 trường hợp tử vong.

Theo Chánh Văn phòng Chính phủ Đức Helge Braun, đỉnh dịch tại Đức vẫn còn ở phía trước và nhiệm vụ của Chính phủ Đức hiện nay là chuẩn bị mọi phương án cho người dân vào thời điểm khó khăn nhất của dịch.

Liên quan tình hình dịch hiện nay, hai cựu Ngoại trưởng Đức là Joschka Fischer và Sigmar Gabriel cảnh báo dịch bệnh COVID-19 về lâu dài có thể dẫn tới sự sụp đổ của Liên minh châu Âu (EU) nếu châu Âu không có một chương hỗ trợ kinh tế giống như Kế hoạch Marshall khổng lồ trước đây. Theo đó, Berlin cần phải có trách nhiệm đặc biệt hỗ trợ các nước thành viên EU khác trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trong bài viết trên báo Thế giới Chủ nhật (WaS), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã đề cập đến kế hoạch đầu tư khổng lồ trong ngân sách EU. Trong khi đó, Giám đốc Viện Kinh tế Đức (IW) Michael Hüther ủng hộ việc châu Âu tung ra "trái phiếu corona", coi đây như một "tín hiệu về tình đoàn kết" với những nước EU gặp khó khăn trong khủng hoảng như Italy và Tây Ban Nha. Theo ông, trái phiếu corona được tạo ra cho tình huống đặc biệt hiện nay cần có tổng trị giá từ 100 - 1.000 tỷ euro.

Hiện áp lực đang ngày càng gia tăng đối với Ủy ban châu Âu liên quan việc tung ra "trái phiếu corona". Ủy viên thị trường nội khối ông Thierry Breton và Ủy viên Kinh tế Paolo Gentiloni đã kêu gọi các nước thành viên EU thành lập một quỹ trái phiếu cho vay dài hạn, được gọi là trái phiếu corona, để tái thiết nền kinh tế châu Âu sau khủng hoảng. Hiện một số nước như Italy, Pháp, Tây Ban Nha ủng hộ biện pháp này, trong khi các nước Đức, Áo và Hà Lan lại phản đối.

(TTXVN/Vietnam+)