Phông chữ

Đồng franc Thuỵ Sỹ tăng giá 10% so với đồng euro trong sáu tháng đầu năm nay. Điều này đang đẩy đưa dân Thuỵ Sỹ sang bên kia biên giới mua sắm, từ chiếc xe hơi đến con cá tươi.


Nhà ông Uwe Zimmermann ở bang Aargau, một bang phía bắc Thuỵ Sĩ chỉ rộng 1.400km2 và giáp biên giới với bang Baden-Württemberg (WB) của Đức. Nhưng hầu như ngày nào ông cũng lái xe hơi từ nhà sang WB mua thực phẩm.

Tiết kiệm đến 1/4

Giải thích cho việc đi chợ xuyên biên giới, ông Zimmermann cho biết: "Sao tôi mua hàng với cái giá đắt vô lý được? Tôi kiếm được khá và sống thoải mái, nhưng tất cả chúng ta đều phải tính toán chi tiêu sao cho hợp lý chứ”. Không phải chỉ mỗi ông Zimmermann làm vậy. Cũng sống ở bang Aargau, bà nội trợ Anna Maurer, một người cũng ưa sang WB đi siêu thị, cho biết: “Chúng tôi tiết kiệm được khoảng 1/4”.

Mua hàng ở Đức, dân Thuỵ Sĩ vừa được hưởng sự chênh lệch tỷ giá, vừa được phía Đức hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) vốn đánh đến 19% giá hàng. Chỉ với lượng hàng có tổng giá trị hoá đơn cao hơn 300 franc (khoảng 287 USD) thì họ mới phải đóng thuế tại cửa khẩu phía Thuỵ Sĩ. Dân tình không vì vậy mà giới hạn mua hàng dưới 300 franc để né thuế. Ở Basel, thành phố đông dân thứ ba của Thuỵ sĩ và nằm ở ngã ba biên giới với Pháp và Đức, hải quan cho biết số người đến quầy khai thuế hàng hoá ở các cửa khẩu trong vùng tăng 10% trong sáu tháng đầu năm nay.

Một số người Thuỵ Sĩ cho biết họ mua hàng ở Đức và cho vào túi mua hàng gắn nhãn hiệu của siêu thị Thuỵ Sĩ. Nguỵ trang kiểu này chỉ để ngăn hàng xóm nghĩ rằng họ không yêu nước. Cũng vì khách hàng Thuỵ Sĩ không thích cho người khác biết họ mua xe từ nước ngoài, và cũng là để tiện cho khách hàng, ở phía tây nam bang WB của Đức, tại thành phố Waldshut-Tiengen nằm ngay bên bờ sông Rhein, biên giới tự nhiên giữa Đức và Thuỵ Sĩ, một đại lý phân phối xe hơi có trong tay cả các giấy tờ cho phép thông quan xe qua Thuỵ Sĩ. Dịch vụ này giúp cho những chiếc xe mua từ Đức không cần phải dán nhãn của nhà phân phối Đức khi qua cửa khẩu. Giám đốc Erich Waser của đại lý xe hơi nói trên nhận xét: “Sự thay đổi 10 – 15% trong tỷ giá hối đoái là những gì tạo nên sự khác biệt này”.

Một nghiên cứu của chuỗi siêu thị lớn thứ hai ở Thuỵ Sĩ, siêu thị Coop cho thấy dân nước này từ năm ngoái đã chi gần 2 tỉ franc cho việc mua hàng từ nước ngoài. Coop giảm giá trên 150 sản phẩm từ bia đến bánh mì và cá đông lạnh ở các cửa hàng vùng biên.

Vì nội tệ tăng giá

Trong lúc kinh tế Thuỵ Sĩ phục hồi mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp, báo chí nước này nay lại đăng nhan nhản các mẹo tiết kiệm khi mua sắm vì giá cả trong nước đang tăng cao hơn rất nhiều so với ở các nước láng giềng. Nguyên nhân là do sự tăng giá của đồng franc, một hệ quả trớ trêu của sự ổn định kinh tế.

Thuỵ Sĩ vượt qua khủng hoảng kinh tế tốt hơn nhiều so với các nước châu Âu khác. Mức tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này khá khả quan và nợ công cũng thấp hơn các nước láng giềng. Điều này khiến đồng franc Thuỵ Sĩ trở thành đồng tiền mạnh và có giá hơn so với đồng euro. Mặt khác, trước các lo ngại đối với tình hình kinh tế Hy Lạp và sức khoẻ của đồng euro, đồng franc Thuỵ Sĩ vốn được các nhà đầu tư coi là thứ tiền tệ an toàn đã được mua nhiều hơn. Một yếu tố nữa là việc ngân hàng trung ương Thuỵ Sĩ vào tháng 6 gỡ bỏ các biện pháp can thiệp giá trị đồng nội tệ từng áp đặt trong thời gian khủng hoảng đã khiến cho đồng franc tăng mạnh, đạt mức 1.307 franc/euro từ 1.7.

Ông Jan-Egbert Sturm, giám đốc Viện kinh tế KOF của Thuỵ Sĩ nhận xét: “Người được lợi chính là người tiêu dùng, những người cho rằng sang bên kia biên giới mua sắm là việc đáng làm”. Cũng theo ông Sturm, các công ty Thuỵ Sĩ nhập khẩu hàng hoá từ châu Âu cũng đang được lợi vì mua được hàng rẻ hơn, nhưng các công ty xuất khẩu hàng của nước này ra châu Âu và thanh toán bằng đồng euro thì lại đang gặp nhiều khó khăn.

Giữa những thách thức về tiền tệ, hoạt động xuất khẩu của Thuỵ Sỹ đến nay vẫn còn mạnh, tuy nhiên các nhà kinh tế và tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu Thuỵ Sĩ là Swissmem cũng đã cảnh báo về tác động tiêu cực nếu nội tệ ngày càng tăng giá. Ông Sturm giải thích: "Sẽ mất một thời gian trước khi thấy được các hậu quả của việc tăng giá đồng franc. Nhiều công ty cố đã chốt giá trước nên được bảo vệ khi tỉ giá thay đổi, nhưng sớm muộn gì họ cũng sẽ phải điều chình một lần nữa, và điều này sẽ làm thay đổi các chi phí sản xuất”. Tuy vậy, hàng hoá của Thuỵ Sĩ luôn được ưa chuộng vì chất lượng tốt. Một số nhà kinh tế vẫn lạc quan vì tin rằng nếu giá cả tăng 1% thì nhu cầu tiêu dùng chỉ bị giảm 0,5%.