Phông chữ
Ngày 23-7, Uỷ ban Giám sát ngân hàng châu Âu (CEBS) công bố kết quả sát hạch khả năng hoạt động của 91 ngân hàng trên 20 nước châu Âu (chiếm 65% quy mô hệ thống ngân hàng châu Âu) nếu xảy ra khủng hoảng kinh tế.

Mục đích sát hạch nhằm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tài chính châu Âu sau cuộc chấn động do khủng hoảng nợ Hy Lạp mang lại năm 2009.

Kết quả chỉ có bảy ngân hàng không vượt qua kỳ sát hạch: Hypo Real Estate (Đức), ATEBank (Hy Lạp) và năm ngân hàng tiết kiệm nhỏ của Tây Ban Nha (Banca Cívica, Diada, Unnim, Espiga và CajaSur). Các ngân hàng này sẽ có một thời gian để thu hút thêm vốn, nếu không sẽ phải chịu quyền quản lý của chính phủ.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cho biết chính phủ sẽ chi vốn cho Ngân hàng Hypo Real Estate theo đề nghị của CEBS. Còn Bộ Tài chính Hy Lạp thông báo rằng Ngân hàng ATEBank có hai tháng để trình kế hoạch huy động vốn và đến hết năm nay phải thực hiện được kế hoạch đó.

CEBS khẳng định quá trình sát hạch diễn ra rất khắt khe, thậm chí khắt khe hơn cả quá trình Mỹ sát hạch 19 ngân hàng của mình năm ngoái. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Uỷ ban châu Âu hoan nghênh sự minh bạch của quá trình sát hạch.

Theo CEBS, kết quả sát hạch đã khẳng định tính linh động và khả năng hồi phục cao của hệ thống ngân hàng châu Âu và các nhà đầu tư có thể tin tưởng vào sự ổn định của hệ thống này.

Theo CEBS, chính nhờ gần 1.000 tỉ USD do các nước trong Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đóng góp hồi tháng 5 nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ nần lan rộng thêm ở châu Âu đã tác động đến kết quả lạc quan của cuộc sát hạch.

CEBS đã có sự suy tính khi chọn thời điểm công bố kết quả vào cuối tuần, do vậy phản ứng cụ thể của các nhà đầu tư có thể phải đợi đến đầu tuần sau.

Thế nhưng trước mắt theo một số nhà phân tích kinh tế và tài chính châu Âu và Mỹ, có vẻ như mục tiêu khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tài chính mà CEBS đặt ra đã không đạt được. Theo họ, kết quả sát hạch chưa chính xác và chưa đủ để trấn an các nhà đầu tư tin tưởng vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng châu Âu. Lý do vì cách thức sát hạch chưa thật sự nghiêm khắc, khách quan và hiệu quả.

Chẳng hạn, trong khi sát hạch, CEBS chỉ tính đến số trái phiếu các chính phủ mà các ngân hàng đang nắm giữ và giao dịch, không tính đến số trái phiếu các chính phủ các ngân hàng lưu giữ trong sổ sách kế toán.

Việc này dẫn đến khả năng một ngân hàng giữ trái phiếu chẳng hạn của chính phủ Hy Lạp vẫn có thể vượt qua kỳ sát hạch, dù thực tế ngân hàng này sẽ lâm vào cảnh lao đao một khi Hy Lạp vỡ nợ. Mà theo kết quả khảo sát của ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley, các ngân hàng đang giao dịch chỉ 10% trái phiếu của chính phủ Hy Lạp, 90% còn lại đang được lưu giữ.

Ngày 24-7, Uỷ ban Quy tắc ngân hàng Trung Quốc (CBRC) bắt đầu kỳ sát hạch khả năng hoạt động của các công ty quản lý tài sản uỷ thác trong điều kiện xảy ra khủng hoảng thị trường bất động sản. Các công ty này phải trình thông tin về bất động sản mình sở hữu, tài sản ký quỹ và các biện pháp kiểm soát rủi ro.

Ngày 23-7, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC - thuộc chính phủ Mỹ) thông báo đóng cửa thêm bảy ngân hàng Mỹ vì làm ăn thua lỗ. Tổng cộng đã có 103 ngân hàng ở Mỹ bị đóng cửa kể từ đầu năm đến nay. Theo FDIC, số ngân hàng phải đóng cửa trong năm 2010 sẽ cao hơn số ngân hàng đã đóng cửa trong năm 2009 (140).