Phông chữ
Thủ tướng Đức Angela Merkel tối qua tới thành phố Yekaterinburg (Nga) để hội đàm với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhằm bàn thảo hàng loạt vấn đề quan trọng. Đây được coi là chuyến đi nhằm mở rộng hơn nữa thị trường Nga và châu Á ở phía Đông.

Trong chuyến thăm hai ngày tới Nga, hai nhà lãnh đạo sẽ họp cùng khoảng 100 nhà lãnh đạo của các công ty lớn nhất hai nước trong các lĩnh vực công nghiệp, ngân hàng, xuất nhập khẩu và sản xuất hàng hoá, nhất là trong lĩnh vực cần công nghệ cao của Đức. Nổi bật trong phái đoàn Đức là lãnh đạo các “đại gia” như Volkswagen, Siemens, BASF, Metro, Commerzbank.


Theo dự đoán, hai bên có thể ký hơn 10 văn kiện quan trọng ở Yekaterinburg, trong đó có việc hãng Siemen tăng cường đầu tư vào khu công nghệ cao Skolkovo và đào tạo các nhà quản lý cho Nga tại các ĐH Đức.

Tuy nhiên, nội dung trọng tâm của chuyến thăm về phía Đức là bàn thảo các dự án đường sắt. Nga và Đức từ lâu gắn bó với nhau trong lĩnh vực này. Siemens từng cung cấp tàu cao tốc Sapsan đang hoạt động trên tuyến Moscow và St. Petersburg. Và năm tới, Đức sẽ giao tiếp tàu Desiro (tiếng Nga gọi là Lastochka) hoạt động tại Moscow và các thành phố lớn khác. Đây được coi là một trong những hệ thống giao thông của Olympics mùa Đông 2014 ở Sochi.

Ngoài ra, Công ty đường sắt Nga và Siemen chuẩn bị ký một hợp đồng trị giá 2,2 tỷ euro. Theo đó, Đức sẽ bán cho Nga khoảng 220 đoàn tàu hiện đại, được sản xuất tại nhà máy Verkhnyaya Pyshma gần Yekaterinburg...


Kim ngạch thương mại Đức-Nga tăng nhanh. Trong giai đoạn 2000-2009, lượng hàng xuất khẩu từ Đức sang Nga tăng 200% nhưng giảm 40% (tương đương 40%) trong năm ngoái vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương tăng 50% lên mức 15,2 tỷ USD từ tháng 1 tới tháng 4/2010.

Với những hợp đồng như trên, Đức coi chuyến thăm là bước đột phá để tiến về phương Đông, mở cửa cho các doanh nghiệp Đức tăng cường xuất khẩu sang Nga và châu Á, đảm bảo cho họ có lợi thế và tiếp tục tiếp cận được nguồn năng lượng giá rẻ của Nga.

Cụ thể, theo nhiều nguồn tin từ Đức, các hãng công nghiệp hàng đầu nước này muốn bà Merkel hiện đại hoá nền kinh tế và cơ sở hạ tầng Nga bằng các sản phẩm công nghệ cao của Đức, biến đây thành bước đệm để các doanh nghiệp Đức ăn sâu hơn vào kinh tế Nga.

Berlin hy vọng các dự án hiện đại nền kinh tế và công nghệ cao sẽ tăng cường xuất khẩu hàng công nghệ cao của Đức sang Nga. Sau đó, nó sẽ giúp Nga chuyển đổi nền kinh tế, tăng sức mua và cuối cùng, nhập khẩu thêm hàng hoá từ Đức.

Về mặt chính trị, chuyến thăm được coi là cuộc né tránh đòn tấn công của các phe đối lập trong nước Đức đang nhằm vào Thủ tướng Merkel. Nói cách khác, trước sự uy hiếp của phe đối lập, bà Merkel sang Nga để đánh lạc hướng sự chỉ trích và xoa dịu họ bằng sự hợp tác kinh tế với Nga.

Cuối cùng, Đức hy vọng Nga sẽ đáp lại thịnh tình của họ bằng việc tăng tốc dự án xây đường ống dẫn khí đốt Nord Stream dọc biển Baltic để vận chuyển nhiều hơn nữa khí đốt từ Nga sang Đức mà không phải qua những trạm chung chuyển ở Belarus, Ukraine...đầy rủi ro.

 
Về phía Nga, họ cũng hy vọng nhiều từ chuyến đi của Thủ tướng Đức. Moscow đang muốn lôi kéo Berlin vào việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt South Stream ở phía Nam khi mà Thủ tướng Nga Vladimir Putin lo ngại phương Tây ngày càng đoàn kết, tập trung xây dựng đường ống Nabucco, nhà nghiên cứu Mikhail Kortchemkin của Tổ chức phân tích khí đốt Đông Âu của Mỹ nhận định.


 
Hiện công ty RWE của Đức đang là cổ đông lớn nhất trong dự án Nabucco. Nếu Nga “dụ” được RWE của Đức góp tay xây dựng South Stream thì đó sẽ là đòn chí tử đối với Nabucco. Nhà phân tích Graham Freedman của Wood Mackenzie khẳng định, Nabucco sẽ suy yếu nếu RWE nhảy sang thuyền South Stream. Tờ Kommersant dẫn lời một quan chức Nga cho biết: “Sự ủng hộ dành cho South Stream của Nga càng nhiều thì số phận của Nabucco càng hẩm hiu”.
Nabucco dài 3.300 km có thể vận chuyển 31 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Trung Á tới Tây Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Hungaria và Áo. Điều quan trọng của đường ống này là nó không đi qua Nga, khiến Moscow trở thành "người thừa".

Không chấp nhận số phận, Nga đề xuất đường ống South Sream có thể vận chuyển 63 tỷ m3 khí đốt xuyên qua biển Đen để tới châu Âu.

Do đó, nếu Đức bỏ Nabucco mà quay sang South Stream, đó sẽ là một tên trúng hai đích của Nga. Thứ nhất, Nga tiếp tục duy trì vị trí chi phối trong việc cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ngoài các đường ống cũ chạy qua Ukraine và Belarus, với Nord Stream và South Stream, Nga sẽ nắm được mạch máu năng lượng của châu Âu. Ngoài lợi ích to lớn về kinh tế, vị thế chính trị của Nga được tăng cường đáng kể là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra.

Ngoài ra, đó cũng sẽ là bài học cho những kẻ "ngông cuồng" có ý định thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga như Ukraine (dưới thời cựu Tổng thống Viktor Yushchenko) và Belarus, xa hơn nữa là ở Gruzia, Romania, Ba Lan... Cuối cùng, Nga sẽ bịt chặt hơn nữa đường vào Trung Á của Mỹ ở phía Nam.

 
Trong cuộc cạnh tranh năng lượng này, có lẽ chỉ có người tiêu dùng Tây Âu là lợi nhất bởi dù đường ống nào được xây dựng, lượng cung khí đột cũng tăng lên. Nhà phân tích Georg Zachmann của Tổ chức Bruegel: “Nếu hai đường Nabucco và South Stream cùng được xây dựng, châu Âu sẽ ngập trong năng lượng”.

So với tiềm năng hợp tác kinh tế, hợp tác chính trị giữa hai nước Nga Đức còn sâu sắc hơn nhiều. Hai nước đã và đang duy trì lập trường tương đồng trong nhiều vấn đề lớn trong khu vực và thế giới.