Phông chữ

Đức và Hà Lan ngày 4/2 đã ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự, theo đó sẽ sáp nhập nhiều đơn vị quân sự hai bên để cùng huấn luyện hoặc cùng chiến đấu. Đây là hình thức hợp tác giữa hai quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), hướng tới một mô hình Liên minh phòng thủ châu Âu.

Thỏa thuận hợp tác nói trên đã được hai bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen và Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert ký trên tàu Hải quân Hà Lan Karel Doorman.

Bộ trưởng von der Leyen nhận định đây là một bước tiến đáng kể trong hợp tác quốc phòng hai nước khi một số đơn vị quân sự hai bên hầu như được hợp nhất với nhau.

Theo đó, Tiểu đoàn hải quân đánh bộ Đức đóng ở Eckernförde, bang Schleswig-Holstein, thuộc miền Bắc nước Đức, gồm 800 lính tinh nhuệ chuyên về hoạt động sơ tán, chống khủng bố và bảo vệ hàng hải, sẽ được sáp nhập vào Hải quân Hà Lan.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen (trái) và Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert. (Ảnh: Getty Images/AFP)

Trong khi đó, Đức cũng được sử dụng chung tàu Hải quân Karel Doorman - con tàu hiện đại của Hà Lan dài 205 mét và có nhiều ưu điểm vượt trội so với tàu của Đức. Việc triển khai chung sẽ được sẵn sàng vào năm 2018 và có thể được cử tham gia các sứ mệnh nước ngoài sau khi các cơ quan hữu quan hai nước cho phép.

Ngoài ra, một bộ phận trong lực lượng bộ binh hai nước cũng được hợp nhất. Theo đó, khoảng 3.000 binh sỹ và 18 xe tăng chiến đấu hạng nặng Leopard thuộc Quân đội Hà Lan sẽ sáp nhập vào Sư đoàn thiết giáp số 1 của Đức ở Bergen, bang Niedersachsen, nơi hiện có 30 xe tăng Leopard. Đổi lại, một tiểu đoàn thiết giáp của Đức sẽ được phiên chế vào một Lữ đoàn Hà Lan.

Theo Bộ trưởng von der Leyen, các nước châu Âu đang đẩy mạnh liên kết lực lượng vũ trang, với dự định trong năm tới sẽ thành lập một sư đoàn thiết giáp đa quốc gia, với số binh sỹ lên tới 20.000 người và có thể sẵn sàng triển khai vào năm 2021.

Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng cho biết việc hợp tác quốc phòng Đức-Hà Lan là mô hình mẫu cho việc xây dựng một Liên minh phòng thủ châu Âu.

Báo chí Đức đánh giá việc đẩy mạnh liên kết, điều phối quốc phòng giữa các nước châu Âu là phù hợp trong bối cảnh “lục địa già” đang phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, trong khi phải đối mặt với nhiều nguy cơ, gồm có mối đe doạ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng./.

Vietnam+