Phông chữ
Ngày 12-6, hàng chục ngàn người Đức đã xuống đường ở thủ đô Berlin và thành phố Stuttgart để phản đối kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” được coi là khắc khổ nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Theo các nhà tổ chức, khoảng 15.000 - 20.000 người đã tham gia cuộc tuần hành có quy mô lớn nhất tại Berlin trong những năm gần đây nhằm phản đối kế hoạch cải cách của chính phủ.

Tại thành phố Stuttgart, khoảng 10.000 người cũng tham gia biểu tình phản đối các biện pháp về thuế và cắt giảm ngân sách.

Các cuộc biểu tình diễn ra sau khi chính phủ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel công bố các kế hoạch về thuế và cắt giảm ngân sách trị giá 80 tỷ EUR (96,30 tỷ USD) trong vòng 4 năm tới nhằm đưa mức thâm hụt liên bang về mức giới hạn 3% theo Hiệp định phát triển và ổn định của Liên minh châu Âu (EU).

Chính phủ liên minh hy vọng sẽ tiết kiệm được 30 tỷ EUR trong 4 năm tới từ lĩnh vực phúc lợi, chủ yếu là trợ cấp thất nghiệp và cắt giảm hàng ngàn việc làm trong chính quyền liên bang. Tuy nhiên, kế hoạch trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.

Kết cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy 79% số người Đức được hỏi cho rằng kế hoạch trên không công bằng về mặt xã hội, trong khi 93% nghĩ rằng các biện pháp đó không đủ đáp ứng mục tiêu tiết kiệm của chính phủ.

Cùng lúc này, Thủ tướng Pháp Francois Fillon cũng công bố kế hoạch cắt giảm 45 tỷ EUR (54,5 tỷ USD) chi tiêu công trong vòng 3 năm tới nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách của nước này về mức 3%.

Ông Francois Fillon khẳng định chính phủ sẽ cắt giảm 100 tỷ EUR thâm hụt công, trong đó một nửa từ cắt giảm chi tiêu công và một nửa từ tăng nhu nhập từ thuế.