Phông chữ

Liên minh tiền tệ đã 11 năm tuổi của châu Âu, trải rộng khắp 16 quốc gia, đang đương đầu với những thử thách tồi tệ nhất mà cuộc khủng hoảng nợ đem lại.


Các chính phủ, đặc biệt của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha, đang phải đối mặt với áp lực cắt giảm thâm hụt ngân sách và cải thiện chính sách kinh tế. Các chính trị gia đang tìm cách điều chỉnh những quy tắc đối với địa vị thành viên trong khối Eurozone để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng khác có thể xảy đến trong tương lai.

Về phần mình, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã buộc phải can thiệp vào thị trường trái phiếu chính phủ, một việc mà định chế này trước đây chưa từng nghĩ tới. Đồng Euro lao dốc mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác. Liệu những căng thẳng này sẽ chỉ tồn tại tạm thời? Liệu những thách thức đó có giảm bớt, hay thậm chí phá hủy sự tồn tại của khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone)?

Tờ Financial Times đã đưa ra 4 kịch bản dành cho số phận của đồng tiền chung châu Âu:

Kịch bản 1: Trật tự được lập lại

Trong kịch bản này, cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu buộc các chính phủ ở khu vực đưa tài chính công của họ trở về vòng kiểm soát và cải thiện năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế quốc gia. Khối Eurozone trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Trong một vài năm tới, Hy Lạp có thể trở thành một nền kinh tế châu Âu hiện đại. Với điều kiện thời tiết lý tưởng, bề dày văn hóa, lịch sử, và phong cảnh tuyệt đẹp, Hy Lạp có thể phát triển thành một điểm đến du lịch cao cấp, phục vụ cho các nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách đến từ khắp nơi trên thế giới. Các doanh nghiệp cũng bị thu hút tới Hy Lạp để làm ăn bởi môi trường kinh doanh được cải thiện ở nước này.

Ít nhất, kịch bản này cũng là giấc mơ của các nhà hoạch định chính sách châu Âu. Ở thời điểm hiện nay, Hy Lạp đang “cầm hơi” nhờ khoản cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, chương trình giải cứu từ EU và IMF có thể đưa tình hình công quỹ của Hy Lạp trở lại trạng thái ổn định bền vững. Những năm tháng phải thắt chặt chi tiêu công tới đây có thể tạo ra những điều kiện giúp thúc đẩy tinh thần vượt khó của người dân và doanh nghiệp Hy Lạp, theo đó giúp bù đắp cho một thời kỳ dài nước này đã để mất sức cạnh tranh kinh tế.

Ở các quốc gia khác trong Eurozone, bi kịch của Hy Lạp có thể thúc đẩy những biện pháp mang tính phòng vệ, giúp đẩy mạnh tăng trưởng tại các quốc gia, như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nước Đức có thể hỗ trợ cho quá trình này bằng cách tăng cường nhu cầu tiêu dùng nội địa, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu như hiện nay. Kết quả sẽ là sự xuất hiện của một Eurozone mới hùng mạnh và năng động hơn.

Đây hoàn toàn không phải là một ý tưởng phi thực tế. Athens hiện đang chịu áp lực rất lớn buộc phải tái thiết nền kinh tế khỏi tình trạng “tơi tả” hiện nay vì nếu không, hậu quả sẽ vô cùng nguy hiểm: nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia, bị cô lập khỏi thị trường tài chính và căng thẳng xã hội lan rộng.

Trước đây, đã từng có nhiều trường hợp vượt khó tương tự như kịch bản này. Thụy Điển đã vươn lên sau một cuộc khủng hoảng ngân hàng và kinh tế tồi tệ vào thập niên 1990, và mang lại bài học cho các quốc gia khác, dù nước này không nằm trong khối Eurozone.

“Tôi lo là sẽ xảy ra một cú sốc về thâm hụt tài khóa trong Eurozone. Các nước sẽ phải chi tiêu như nước Đức, và điều đó có thể có tác động bất lợi tới nhu cầu. Nhưng kinh nghiệm của Thụy Điển cho thấy là, cách này sẽ thúc đẩy mạnh hơn những cải cách cơ cấu ở nhiều quốc gia. Nếu không làm vậy, chúng ta có nguy cơ sẽ rơi vào một vòng xoáy suy giảm tăng trưởng đáng sợ”, ông Pontus Braunerhjelm, một chuyên gia thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Thụy Điển, phát biểu với Financial Times.

Các chính trị gia của châu Âu cũng đồng tình với những biện pháp nhằm ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tương lai. Trước đây, Hy Lạp đã che giấu thực trạng tài chính công của họ trong một thời gian quá dài. Tuy nhiên, cơ chế giám sát thống kê giờ đã được tăng cường.

Trong tương lai, các cơ quan giám sát của châu Âu có thể thực hiện sớm những biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng kinh tế, chẳng hạn như các quốc gia mất năng lực cạnh tranh vì mức lương quá cao. Các định chế có thể được thiết lập để giải quyết khủng hoảng theo một trình tự hợp lý trong trường hợp khủng hoảng xảy tới, theo đó hạn chế thiệt hại. Nhờ vậy, ECB có thể rảnh rang hơn và tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ hàng đầu là chống lạm phát.

Khả năng xảy ra của kịch bản này: Không hẳn là bất khả thi, nhưng cũng không nên quá kỳ vọng.

Ảnh hưởng đối với đồng Euro: Nếu kịch bản trên trở thành hiện thực, đồng tiền chung châu Âu sẽ là một đối thủ thực sự của USD ở địa vị đồng tiền dự trữ mạnh và ổn định.

Kịch bản 2: Mớ bòng bong còn đó

Trong kịch bản này, khối Eurozone sẽ bình ổn trở lại, nhưng không thể giải quyết được những sai lầm trong cấu trúc cốt lõi.

Các động thái chống khủng hoảng của EU và ECB, bao gồm gói giải cứu 750 tỷ Euro, ngăn chặn được cơn bão nợ công hiện nay. Niềm tin của Hy Lạp đối với các nhà đầu tư có thể được khôi phục, khi Athens thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Các chương trình cắt giảm chi tiêu và tăng thuế do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có khả năng cân bằng giữa việc giảm thâm hụt ngân sách, mà không đẩy nền kinh tế vào một vòng xoáy suy giảm.

Nhưng những thay đổi như vậy lại chưa chắc đã đủ để kích thích tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone tới mức cần thiết, và sức cạnh tranh yếu ớt vẫn cứ là một điểm yếu của nền kinh tế Hy Lạp. Đáng ngại hơn, những sai lầm căn bản trong liên minh tiền tệ của châu Âu - những vấn đề mà cuộc khủng hoảng nợ đã phơi bày - có thể sẽ không được sửa chữa, và tiếp tục gây ra những rắc rối trong tương lai.

Theo ông Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu có trụ sở ở Brussels, Bỉ, trong phần lớn thời gian của thập kỷ đầu tiên, khối Eurozone đã đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người. Nước Đức gia nhập khu vực đồng Euro ở thời điểm tỷ giá quá cao, khiến nền kinh tế của nước này chịu nhiều tổn thất, nhưng đã nhanh chóng phục hồi trở lại và gia tăng sức cạnh tranh nhờ sự linh hoạt của thị trường lao động.

Ông Gros cho rằng, vấn đề là ở chỗ, hình ảnh khối Eurozone đã bị “đánh bóng” quá mức. Không chỉ trường hợp nước Đức đã biện minh cho việc đồng Euro bị định giá cao đối với các quốc gia khi mới bắt đầu gia nhập khối, mà các biện pháp kiểm soát chi phí chặt chẽ ở những nền kinh tế lớn như Đức cũng đem tới một lợi thế cạnh tranh lớn, cho dù lợi thế này ngang bằng với mức độ sa sút cạnh tranh ở những quốc gia như Hy Lạp.

Hiện nay, các nước như Hy Lạp cũng muốn thực hiện cắt giảm chi phí, nhưng để làm được như nước Đức lại không phải là chuyện dễ dàng. “Thị trường lao động và các tổ chức xã hội ở nhiều nền kinh tế châu Âu có sức ỳ quá lớn”, ông Gros nói.

Cuộc tranh luận hiện nay giữa các chính trị gia châu Âu đã vượt quá việc làm thế nào để kiểm soát khủng hoảng tốt hơn, và bao gồm cả những biện pháp làm sao để đảm bảo rằng, những mất cân đối trong nền kinh tế được nhận diện và giải quyết đúng lúc. Tuy nhiên, còn chưa rõ liệu người ta có đạt tới được một thỏa thuận nào hay không.

Đối với một số người, cuộc tranh luận này đã đi sai hướng. Việc ECB can thiệp vào thị trường trái phiếu chính phủ, bị người Đức nhìn nhận là khuyến khích thói quen chi tiêu công hoang phí và làm gia tăng rủi ro lạm phát. Berlin phản đối bất kỳ biện pháp nào có thể làm suy yếu sức cạnh tranh của lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở nước này.

Trong trường hợp những cải cách làm khối Eurozone mạnh lên được đưa ra, thì các chính trị gia cũng chưa chắc đã theo đuổi những cải cách đó tới cùng. Trên thực tế, Đức và Pháp đã buộc phải nới lỏng các quy định tài khóa của Eurozone vào năm 2005 sau khi họ vi phạm mức trần ngân sách. Ông Braunerhjelm nhận xét: “Toàn bộ lịch sử và truyền thống của châu Âu, cũng như cách mà EU giải quyết khủng hoảng, cho thấy quá trình cải cách sẽ diễn ra chậm chạm”.

Khả năng xảy ra kịch bản này: Rất cao.

Ảnh hưởng đối với đồng Euro: Triển vọng tăng trưởng kinh tế suy yếu và những lo ngại bị thổi phồng về tình hình chính trị dài hạn, sẽ gia tăng áp lực mất giá đối với đồng Euro.

 

 

Kịch bản 3: Vết thương không lành

Theo kịch bản này, khối Eurozone sẽ suy yếu vĩnh viễn, và tương lai dài hạn của đồng Euro bị đặt vào thế nghi ngờ.

Những đòi hỏi đặt ra đối với các nền kinh tế ở khu vực Nam Âu có thể là quá cao. Hy Lạp có khả năng sẽ còn “nằm viện” lâu hơn dự kiến và phải đối mặt với tình huống xin hoãn nợ. Bồ Đào Nha và thậm chí là Tây Ban Nha có nguy cơ sa chân vào khủng hoảng. Bất ổn xã hội gia tăng tới mức không kiểm soát được, một khi các biện pháp thắt lưng buộc bung mà IMF và EU đề ra không đem lại kết quả. Những đồn đoán về khả năng tan rã của đồng Euro gia tăng.

Ảnh hưởng đối với các ngân hàng của Đức và Pháp, cộng với sự suy sụp niềm tin vào nền kinh tế, sẽ đe dọa dẫn tới suy thoái sâu ở Eurozone, trong khi đồng Euro mất giá sẽ châm ngòi cho lạm phát.

Kịch bản này có thể xảy ra nếu các nhà lãnh đạo Eurozone không tìm được cách để đảo ngược “vận đen” của những quốc gia như Hy Lạp. Ông Jean Pisani-Ferry, một chuyên gia thuộc Bruegel - cơ quan nghiên cứu ở Brussels - chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa tình hình tài chính công tệ hại và những ngành công nghiệp kém sức cạnh tranh đã gây ra những thách thức lớn cho các nền kinh tế ở khu vực Nam Âu.

Để lấy lại sức cạnh tranh, các quốc gia cần thực hiện chiến lược giảm phát bằng cách cắt giảm tiền lương và giá cả, “nhưng nếu giá cả giảm xuống và nợ công vẫn cao, nền kinh tế vẫn co cụp, thì gánh nặng nợ nần lại gia tăng”.

Theo ông Pisani-Ferry, lý tưởng nhất, nước Đức nên cho phép lạm phát tăng quá mức mục tiêu 2% của khu vực Eurozone để giúp các nước khác thực hiện sự điều chỉnh như trên, nhưng rất khó để những người dân Đức vốn có nỗi ám ảnh lớn về lạm phát chấp nhận điều này.

Không giống như ở Thụy Điển những năm 1990, các nền kinh tế đang gặp khó ở Eurozone hiện nay sẽ không có được lựa chọn phá giá đồng tiền, mặc dù sự suy yếu lúc này của đồng Euro có thể sẽ giúp tăng cường xuất khẩu từ khu vực này.

Kịch bản thứ ba này đặc biệt nguy hiểm đối với ECB. Hiện ECB đã nhận được nhiều lời chỉ trích, đặc biệt từ nước Đức, về động thái can thiệp vào thị trường trái phiếu. Rủi ro là ở chỗ, ECB có thể sẽ buộc phải mở rộng chương trình can thiệp này thành một kế hoạch “nới lỏng định lượng” trên quy mô lớn, qua đó tạo ra những ảnh hưởng lớn về mặt lạm phát, mà không một biện pháp hút bớt thanh khoản nào có thể ngăn chặn được.

Trước đây, những biện pháp tương tự đã từng được thực hiện bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers vào tháng 9/2008. Nhưng đối với người Đức, việc ECB nới lỏng định lượng sẽ vi phạm hai quy tắc mà họ cho là nền tảng của khối Eurozone khi liên minh này ra đời năm 2009: sự độc lập của ngân hàng trung ương khỏi các vấn đề chính trị, và trách nhiệm của chính phủ trong việc giữ trật tự tài chính công của nước mình. Thái độ giận dữ về lạm phát leo thang sẽ gia tăng, làm căng thẳng thêm nỗi bất mãn của người dân với liên minh tiền tệ.

Khả năng xảy ra kịch bản này: Có thể xảy ra.

Ảnh hưởng đối với đồng Euro: Đồng Euro sẽ suy yếu trong dài hạn.

Kịch bản 4: Rã đám

Theo kịch bản này, khối Eurozone sẽ tan rã. Căng thẳng trở nên quá lớn để kiểm soát, một hoặc vài quốc gia nhận thấy là tốt hơn hết nên rút khỏi đồng Euro, hoặc các thành viên của Eurozone quyết định trục xuất một số “người anh em”.

Sự suy sụp của nền kinh tế Hy Lạp, suy thoái và lạm phát tăng vọt trong khối Eurozone, sự bất mãn ngày càng tăng của người dân châu Âu đối với đồng Euro… sẽ trở thành sự thật nếu những diễn biến xấu tiếp tục xảy ra. Khi đó, kịch bản tồi tệ nhất đối với đồng tiền chung này sẽ cận kề hơn bao giờ hết.

Thay vì đem tới một cách giải quyết êm thấm cho những khó khăn hiện nay như suy nghĩ của nhiều chuyên gia, việc một quốc gia châu Âu vỡ nợ và phải tái cơ cấu các khoản nợ có thể tạo ra những ảnh hưởng mang tính tàn phá và không thể đoán định trong khắp khu vực.

Trước đây, chưa ai từng “lên lịch” cho sự tan rã của khối Eurozone. Thậm chí, việc gia nhập liên minh tiền tệ này vẫn được xem là xu hướng không thể đảo ngược, và không có điều khoản nào về sự rút lui. Nhưng như vậy không có nghĩa là Eurozone không có nguy cơ giải thể.

Theo ông Ansgar Belke, giáo sư kinh tế học thuộc Đại học Duisburg-Essen của Đức, rút lui có trật tự có thể là giải pháp hợp lý cho những nước thành viên Eurozone “có sự khác biệt căn bản so với các thành viên khác”. “Bồ Đào Nha hầu như không có gì để xuất khẩu. Họ đang cạnh tranh với các thị trường mới nổi nhằm vực dậy nền kinh tế, nên sẽ phải cắt giảm mạnh chi phí lao động tới mức sẽ tạo ra suy thoái sâu. Tương tự, điều này chắc chắn sẽ xảy ra ở Hy Lạp”.

Giáo sư này cho rằng, một khả năng là châu Âu sẽ thành lập một hệ thống có chức năng tổ chức “vỡ nợ có trật tự” cho các quốc gia thành viên trong trường hợp cần thiết, trong đó bao gồm cả giải quyết các trường hợp muốn hoặc bị buộc phải rút lui khỏi Eurozone. Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã cho rằng, trong tương lai, những thành viên không tuân thủ đầy đủ quy định của Eurozone sẽ được yêu cầu rút khỏi khối.

Tuy nhiên, rút lui có trật tự khỏi Eurozone là việc khó, nếu không muốn nói là không thể, thực hiện được. Phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng, chi phí cho việc rút lui sẽ là rất lớn, cho dù quốc gia thành viên đó bị buộc phải ra đi, chẳng hạn như Hy Lạp, hay tự nguyện ra đi, chẳng hạn như Đức.

Nếu rút khỏi đồng Euro, Hy Lạp vẫn sẽ phải trả những gánh nợ nước ngoài khổng lồ bằng đồng Euro, nhưng lại bằng đồng nội tệ Drachma yếu hơn; các công ty của Đức sẽ phải đối mặt với đồng Mark tăng giá vùn vụt. Chi phí kinh doanh xuyên biên giới sẽ leo thang và những biến động khó lường về tỷ giá sẽ là một trở ngại lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Trong trường hợp việc rút lui khỏi khối Eurozone có thể thực hiện, thì biết đâu, nhiều nước trong liên minh này sẽ ồ ạt xin ra. Khi đó, giấc mơ đồng tiền chung mà các nhà hoạch định chính sách châu Âu từ thời Chiến tranh Thế giới 2, sẽ tan tành mây khói. Tương lai của sự nhất thể hóa kinh tế ở châu Âu sẽ không còn. Bà Merkel mới đây từng phát biểu rằng, nếu đồng Euro tan rã, thì “đó không chỉ là sự sụp đổ đồng tiền này, mà còn là sự thất bại của châu Âu, cũng như của ý tưởng về một châu Âu thống nhất”.

Khả năng xảy ra của kịch bản này: Khó xảy ra, nhưng không khó tới mức như người ta nghĩ trước đây.

Ảnh hưởng đối với đồng Euro: Đồng tiền này sẽ mất giá nhanh chóng, ngay trước khi khả năng rã đám của khối Eurozone hiện ra.