Phông chữ
"Đơn thuốc" ngót 750 tỷ euro xem ra chưa đủ liều để dứt cơn bệnh mà châu Âu đang nhiễm phải. Phạm vi gặm nhấm của "virus nợ" Hy Lạp vẫn chưa thể khoanh vùng mà còn có nguy cơ lan rộng khắp cơ thể của Lục địa già. Nghiêm trọng hơn, cơn bệnh nguy hiểm này còn có thể làm chệch hướng cuộc hồi phục kinh tế toàn cầu vừa được khởi động.

Hiện tại, các nền kinh tế châu Âu đang có cơ tụt hạng tín nhiệm tín dụng hàng loạt sau cú tụt hạng của bộ ba: Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha do khối nợ công phình quá to.

Tín nhiệm bị hạ điểm đồng nghĩa với độ rủi ro cao trên thị trường tín dụng châu Âu vẫn còn đó. Vì thế, một nguy cơ đang hiện hữu là các quỹ đầu tư lớn có thể bán tháo các loại trái phiếu của quốc gia có mức tín nhiệm bị hạ; đồng thời từ chối mua vào trái phiếu chính phủ trong các đợt phát hành tiếp theo. Nếu vậy, cuộc huy động tiền để lấp "chỗ trống" của các chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, các ngân hàng trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đang phải đối mặt với khả năng thua lỗ tới 200 tỷ USD trong năm 2010 và 2011. Đây là lý do khiến cổ phiếu nhóm ngân hàng châu Âu giảm sâu trên các sàn chứng khoán trong tuần qua. Nếu các thị trường tín dụng và ngân hàng châu Âu đổ vỡ, cuộc khủng hoảng nợ bắt nguồn từ Hy Lạp không loại trừ khả năng kéo sập các thị trường tài chính trên toàn thế giới. Mỹ - một "chiếc bình thông nhau" trong hệ thống tài chính Âu - Mỹ - đang bị thách thức nghiêm trọng khi túi nợ công đã ở mức kỷ lục và có thể nổ tung bất kỳ lúc nào.

Với tổng khối lượng kinh tế, chỉ chiếm 2% so với Mỹ, bản thân Hy Lạp không đủ mạnh để tác động trực tiếp tới các cấu trúc kinh tế ở xứ Cờ hoa. Tuy nhiên, khủng hoảng nợ Hy Lạp với nhiều kênh nếu bùng nổ có thể dễ dàng vươn qua Đại Tây Dương để tới Mỹ vì mối quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính mật thiết. Ngoài sở hữu khoản trái phiếu trị giá 1.000 tỷ USD của châu Âu, nước Mỹ đang cõng một món nợ khổng lồ, xấp xỉ 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hiện, biểu đồ nợ quốc gia của Mỹ đã nhảy qua mốc 13.000 tỷ USD; trong đó nợ công chiếm gần 8.500 tỷ USD. Như vậy, mỗi người trong số 309 triệu dân Mỹ phải cõng trên lưng món nợ 42.000 USD. Chỉ riêng khoản lãi 900 tỷ USD/năm trả cho ngân hàng cũng đủ thấy con số trên biểu đồ ghi nợ của Mỹ sẽ tiếp tục tăng hàng trăm ngàn USD sau mỗi phút. Đây là lý do khiến Washington rất "sốt sắng" hối thúc châu Âu ngăn chặn "virus nợ" từ Hy Lạp phát tán.

Thật khó tưởng tượng một châu Âu phồn thịnh giờ đây phải làm quen với chính sách khắc khổ. Trong nhiều thập niên qua, người châu Âu luôn tự hào về chế độ phúc lợi xã hội khá hào phóng với y tế giá rẻ, tiền hưu trí cao, tuổi hưu sớm, nghỉ phép kéo dài... Vậy mà nay, không kể các quốc gia đang bước một chân vào khủng hoảng nợ như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, các nước giàu như Phần Lan, Đan Mạch, Luxembourg... cũng buộc phải tung ra lộ trình "ăn kiêng" khắt khe chưa từng có. Đặc biệt, Anh quốc đã khẳng định sẽ cắt giảm 9 tỷ USD ngay trong tài khóa 2010 như một bước mở đầu cho "chiến dịch" ngăn đà thâm thủng ngân sách đang ở mức 11,5% GDP. Nước Đức chưa thấy rục rịch gì, nhưng nữ Thủ tướng Angela Merkel khó có thể giữ lời hứa giảm thuế với cử tri.

Trong lúc hầu hết gói giải cứu trị giá hàng ngàn tỷ USD vẫn còn ở đâu đó trong các ngân hàng thì "thắt chặt hầu bao" đã trở thành sự lựa chọn của chính phủ nhiều nước ở châu Âu. Thế nhưng, thật trớ trêu, cắt giảm ngân sách sẽ kích thích sự bất ổn xã hội vì thất nghiệp, nghèo đói cùng tâm lý chán nản của người dân gia tăng. Các cuộc biểu tình lớn phản đối chính phủ liên tiếp nổ ra gần đây ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha cho thấy điều đó. Ngoài ra, "thắt lưng buộc bụng" cũng làm tăng gấp đôi ảnh hưởng của suy thoái, đi ngược lại các nỗ lực kích thích kinh tế mà hầu hết các nước đều áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Nói cách khác, càng giảm chi tiêu, doanh thu càng co lại, khiến khả năng trả nợ càng bị giảm. Vòng xoáy nợ đã tạo ra "Kỷ nguyên khắc khổ" tại châu Âu. Nó gây nhiều bất ngờ và có thể cuốn Lục địa già vào một thập niên thất bát chưa từng thấy.

Quỳnh Chi