Phông chữ

Theo một điều tra cho thấy, các nước châu Âu đã bán hàng tỉ euro vũ khí và công nghệ quân sự cho Trung Quốc, bất chấp lệnh cấm vận vũ khí.

 

Thống kê cho thấy các nhà sản xuất vũ khí thuộc Liên minh châu Âu (EU) được cấp giấy phép xuất khẩu 3 tỉ euro (4,1 tỉ USD) vũ khí từ năm 2002-2012. Trong năm 2012, EU bán cho Trung Quốc số vũ khí trị giá 238,8 triệu USD.

Báo cáo của Quốc hội Pháp cho biết nước này bán vũ khí cho Bắc Kinh lên đến 143,6 triệu USD trong năm 2012. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Pháp, Anh và Đức cung cấp 18% nhu cầu vũ khí của Trung Quốc trong năm 2013, phần còn lại đến từ Nga.

Chẳng hạn, 9/11 tàu khu trục Trung Quốc đóng từ năm 1991 chạy động cơ MTU của Đức. Ngoài ra, 12 tàu ngầm lớp Yuan cũng chạy động cơ MTU hoặc phiên bản sao chép do Bắc Kinh sản xuất.

Cuối năm 2010, Đức bán 48 động cơ MTU cho tàu ngầm lớp Song của Trung Quốc. Trong khi đó, hai tàu khu trục nhỏ mới nhất của Trung Quốc là Jiangkai I và II chạy động cơ của Công ty Pháp SEMT Pielstick. Tàu chiến tên lửa lớp Houbei của Trung Quốc chạy động cơ do Hãng Thụy Điển Kamewa sản xuất.

Trong lĩnh vực phòng không, từ năm 1992-2013, Hãng Airbus của Pháp đã bán 357 máy bay trực thăng cho Trung Quốc, còn Hãng Aerospatiale cung cấp 50 trực thăng vận tải Super-Frelon cho quân đội Trung Quốc từ năm 2001-2013.

Máy bay chiến đấu Trung Quốc cũng sử dụng nhiều linh kiện do Anh sản xuất. Về bộ binh, Tập đoàn Đức Deutz đã bán hơn 4.400 động cơ xe quân sự cho Trung Quốc từ năm 1981-2013.

Được biết, lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc được EU áp đặt vào năm 1989, nhưng chính sách này đã không được thực hiện nghiêm túc. Vũ khí và những công nghệ lưỡng dụng (sử dụng trong cả dân dụng và quân dụng) ồ ạt được chuyển vào Trung Quốc từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

 Chính phủ các nước châu Âu phê chuẩn bán cho Trung Quốc tất cả các loại máy bay, tàu thuyền, thiết bị liên quan đến công nghệ hình ảnh, xe tăng, nguyên liệu hóa học, đạn dược…

Theo phát ngôn viên của EU, lệnh cấm vận vũ khí của châu Âu không áp dụng cho lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đều nắm vững quy định kiểm soát những sản phẩm này. Tuy nhiên, một số người đã phê phán đây là sự lỏng lẻo trong cơ cấu tổ chức của Liên minh châu Âu.

Các chuyên gia cho rằng, đối với quân đội Trung Quốc, tầm quan trọng của các sản phẩm công nghệ lưỡng dụng còn lớn hơn việc mua được các hệ thống vũ khí của châu Âu. Ngoài ra, sự tiếp giáp về khoảng cách địa lý cũng đóng một vai trò lớn, các nước châu Âu xem Trung Quốc - một quốc gia xa xôi ở châu Á là cơ hội làm ăn lớn chứ không phải là mối đe dọa đối với mình.

Mai Thùy (BDV Tổng hợp)