Phông chữ

Đức ban hành lệnh cấm bán khống vô căn cứ hôm 18/5 mà không hề báo trước với bất kỳ quốc gia châu Âu nào. Lệnh cấm khiến các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đồng loạt lao dốc và đẩy đồng euro xuống mức giá thấp nhất trong 4 năm so với đồng USD thêm một lần nữa do giới đầu tư lo ngại nó sẽ kìm hãm kinh tế toàn cầu.


Bán khống vô căn cứ (naked short selling) là việc nhà đầu tư đặt lệnh bán chứng khoán mà họ không thực sự sở hữu hoặc vay mượn.

Lệnh cấm bán khống vô căn cứ của Đức được áp dụng đối với 10 cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và hợp đồng hoán đổi tín dụng (một dạng bảo hiểm tài chính) dựa trên những trái phiếu chính phủ.

Chính quyền Berlin muốn ban hành lệnh cấm bán khống vô căn cứ để ngăn chặn tình trạng đầu cơ tài chính. Theo quan điểm của Đức, đầu cơ tài chính là thủ phạm gây nên khủng hoảng nợ hiện nay tại châu Âu.

Phát biểu trước quốc hội vào ngày 18/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro là thử thách lớn nhất đối với Liên minh châu Âu (EU) kể từ khi khối này thành lập.

“Đồng euro đang ở trong tình thế nguy hiểm. Nếu đồng euro sụp đổ, châu Âu sẽ suy yếu. Nếu chúng ta thành công, châu Âu sẽ trở nên mạnh hơn”, AP dẫn lời bà Merkel.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại quyết định cấm bán khống của Đức có thể phản tác dụng và khiến các các quỹ đầu tư tháo chạy khỏi khu vực sử dụng đồng euro và khiến tâm lý lo sợ rủi ro của giới đầu tư càng trở nên trầm trọng hơn.

Các quan chức tại Brussels, Paris và nhiều thủ đô khác tại châu Âu không hề che giấu cảm giác ngạc nhiên và bực tức trước động thái của Đức. Phần lớn họ cho rằng chính quyền Berlin ban hành lệnh cấm bán khống do áp lực chính trị trong nước.

Bộ trưởng Tài chính Pháp, Christine Lagarde, cho rằng lẽ ra Berlin nên thảo luận với các chính phủ khác trước khi ban hành lệnh cấm. Bà nói động thái của Đức có thể làm giảm tính thanh khoản trên các thị trường trao đổi nợ, đặc biệt là đối với những nước đang đối mặt với khoản thâm hụt ngân sách lớn.

Mario Draghi - thống đốc ngân hàng trung ương Italy kiêm chủ tịch Hội đồng Ổn định Tài chính của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới – kêu gọi các quốc gia châu Âu không nên từ bỏ một nỗ lực chung.

“Vào thời điểm quan trọng hiện nay chúng ta phải tiếp tục phối hợp với nhau trong nỗ lực cải cách hệ thống tài chính quốc tế và duy trì lòng tin vào hợp tác quốc tế”, Draghi nói với Financial Times.

Các bộ trưởng Tài chính của châu ÂU sẽ họp tại Brussels vào ngày 21/5 để thảo luận về biện pháp ổn định khu vực đồng euro và thay đổi cách quản lý kinh tế.