Phông chữ

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây đã cho kết quả đáng kinh ngạc khi đa số người Đức công nhận Crimea sáp nhập vào Nga. Đồng thời, hầu hết họ cũng xem phản ứng của phương Tây với Nga trong vụ việc này là thích hợp.


 
Cuộc thăm dò dư luận trên được tiến hành bởi công ty TNS Research theo lời đề nghị của Der Spiegel.
 
Theo kết quả của cuộc thăm dò, 54% người được hỏi đã trả lời rằng, phương Tây nên công nhận Crimea sáp nhập vào Nga như một chuyện đã xảy ra rồi.
 
Trong khi đó, 55% người Đức cho rằng, họ đồng ý trong một chừng mực nào đó về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin xem Ukraine, đáng chú ý là bán đảo Crimea, như một khu vực ảnh hưởng của Nga.
 
Đồng thời, 60% người được hỏi đã nói rằng, họ tin phản ứng của phương Tây với Nga là thích hợp. Ngược lại, 34% trả lời rằng, việc Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga trong vấn đề Crimea là “quá mức”.
 
Hôm 16/3, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ là tiếp tục ở lại Ukraine hay sáp nhập trở về Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, có tới gần 97% người dân ở Crimea lựa chọn quay về tái hợp với nước Nga.
 
Hôm 21/3 vừa rồi, sau khi Tổng thống Vladimir Putin đặt bút ký sắc lệnh hoàn tất thủ tục sáp nhập, Crimea và thành phố Sevastopol chính thức trở thành một phần của Liên bang Nga.
 
Trước đó, cả Thượng viện và Hạ viện Nga đều nhất trí thông qua hiệp ước tái hợp lịch sử với Crimea và thành phố Sevastopol mà hai bên đã ký với nhau tại điện Kremlin hôm 18/3.
 
Việc Crimea tách khỏi Ukraine, gia nhập vào nước Nga được châm ngòi từ một cuộc đảo chính có vũ trang ở thủ đô Kiev. Theo đó, phe đối lập đã xé bỏ thỏa thuận hòa bình, xông vào chiếm thủ đô và lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich. Chính quyền lâm thời mới ngay khi lên cầm quyền ở Ukraine đã đưa ra chính sách cấm ngôn ngữ Nga, thể hiện sự phân biệt đối xử đối với người gốc Nga đang sống rất đông trên lãnh thổ nước này, đặc biệt là Crimea và các vùng phía đông.
 
Đa số người dân Crimea là người dân tộc Nga hoặc người nói tiếng Nga. Năm 1954, Nhà lãnh đạo Xô-viết Nikita Khrushchev đã đưa ra một quyết định gây tranh cãi khi tặng Crimea cho Ukraine. Ông Khrushchev bản thân là một người gốc Ukraine.
 
Sau khi Liên Xô tan rã, “món quà” của ông Khrushchev bị chỉ trích gay gắt bởi nhiều người dân Nga, trong đó có đa số người đang sống ở nước Cộng hòa Tự trị Crimea.

Kiệt Linh - (theo RT)