Phông chữ

Một lần nữa, mùa bóng mới khai diễn tại Bundesliga mà không có sự góp mặt của đại diện nào từ phía Đông. Người ta lại phải nói về nền bóng đá Đông Đức cũ bằng những hoài niệm chứ không phải bằng hiện tại. Lạ ở chỗ, ngay cả trong thời kỳ CHDC Đức có một nền thể thao hùng mạnh, cũng chẳng ai xem đấy là một cường quốc bóng đá. Những bí ẩn nào khiến đất nước của những tượng đài thể thao như Katrin Krabbe, Manita Koch, Katarina Witt luôn thất bại ở môn thể thao vua này? Đó là sự chuyên chế!

Mảnh đất sản sinh nhiều tài năng sân cỏ
Khó mà nói rằng bóng đá Đông Đức là một nền bóng đá yếu kém. Nhưng quả thật, nền bóng đá này đã bị bóng đá Tây Đức "đè bẹp" hoàn toàn trong lịch sử khoảng 40 năm tồn tại của cả hai phía. Câu hỏi đặt ra: vì sao khoảng cách giữa 2 nền bóng đá Đông Đức và Tây Đức ngày xưa lại quá xa nhau, như 2 thái cực?

Càng là một điều bí ẩn khi ĐT Đông Đức đã thắng ĐT Tây Đức (1-0) ở lần gặp nhau duy nhất trong lịch sử, ngay trên đấu trường World Cup, và ngay tại Tây Đức? Chắc chắn phải có một nguyên nhân lớn khiến nền bóng đá Đông Đức chỉ tồn tại một cách âm thầm, cho đến khi nước Đức thống nhất vào năm 1990.

Chẳng phải Đông Đức không sản sinh được tài năng bóng đá. Rõ ràng, "cầu thủ lớn" gần đây nhất của đội tuyển Đức, Michael Ballack, xuất thân từ nền bóng đá Đông Đức. Cầu thủ Đức gần đây nhất đoạt "Quả bóng vàng châu Âu" và nay là GĐTT tại Bayer Munich, Matthias Sammer, cũng là người Đông Đức, nơi không chỉ anh mà cả cha anh cũng là cầu thủ.


Ở thời điểm nước Đức thống nhất, huyền thoại Franz Beckenbauer có câu bất hủ: "Tôi không biết đội tuyển Đức sẽ mạnh đến mức độ nào khi có thêm các hảo thủ đến từ Đông Đức". Cũng không có gì quá đáng trong nhận định nêu trên. Khi ấy, HLV Beckenbauer vừa cùng Tây Đức vô địch World Cup 1990 và các ngôi sao Đông Đức như Thomas Doll, Andreas Thom, Ulf Kirsten hoặc Matthias Sammer đều đang chuẩn bị bước vào ĐTQG của nước Đức thống nhất.

Vấn đề không chỉ đơn giản là việc "điểm danh" các cầu thủ giỏi mà Đông Đức đang có ở thời điểm ấy. Hệ thống đào tạo trẻ của bóng đá Đông Đức cũng khá tốt, với những Jens Jeremies, Rene Tretshock, Alexander Zickler, Thomas Linke, Carsten Jancker, Joerg Heinrich, Steffen Freund... đều trở thành ngôi sao ở Bundesliga nhiều năm sau đó. Không lâu trước khi nước Đức thống nhất, CHDC Đức đã đoạt hạng Ba tại giải U20 thế giới.

"Có lần, tôi được CLB phát giày, nhưng lại to hơn 3 số. Yêu cầu đổi giày là điều không thể chấp nhận, bởi BHL Dresden khẳng định: không có bất cứ ngôi sao nào trong đội. Đòi đổi giày chính là biểu hiện của một cầu thủ muốn trở thành ngôi sao" - Matthias Sammer

Đã ra sân, ít kẻ dám khinh nhờn
Ở đấu trường 3 Cúp châu Âu, các CLB Đông Đức từng thắng Inter, Fiorentina, Leeds, Porto, Juventus, Barcelona... Khi Magdeburg đoạt Cúp C2 1974, họ thắng AC Milan 2-0 trong trận chung kết. Còn khi Carl Zeiss Jena lọt vào chung kết Cúp C2 1981, họ đã liên tục vượt qua AS Roma, Valencia, Benfica.

Thế còn ĐTQG? Một thời, Đông Đức, chứ không phải TBN, được gọi là "Vua giao hữu", và đấy là thời kỳ mà loại hình bóng đá giao hữu rất được tôn trọng chứ không phải "đá lấy có" như bây giờ. Cũng chẳng phải Đông Đức chỉ thắng trong các trận giao hữu. Họ còn thắng nhiều đối thủ hùng mạnh ở các trận đấu chính thức.

Họ đã thắng Hà Lan với Johan Cruyff trong đội hình, thắng Tây Đức với Franz Beckenbauer trong đội hình, hoặc thắng Pháp với Michel Platini trong đội hình. Họ cũng đã thủ hòa Brazil, Argentina, Anh... Nhưng ngần ấy chưa đủ. Cứ gặp đúng thời điểm quan trọng nhất, ĐT Đông Đức lại thất bại một cách đáng tiếc.

CLB Magdeburg đoạt Cup C2 năm 1974


Tại EURO 1964, Đông Đức bị loại vì "chỉ" hòa 3-3 trên sân Hungary, trong hoàn cảnh nếu thắng 3-2 hoặc 4-3 thì đã đi tiếp. Khi ấy, trọng tài điều khiển trận đấu bị UEFA kỷ luật vì sai lầm trong việc phủ nhận một bàn thắng hợp lệ của Đông Đức vào đúng phút chót, và đáng lẽ không thể công nhận 2 trong 3 bàn của Hungary.
Tại EURO 1976, Đông Đức bị loại khỏi vòng tứ kết vì chỉ đứng nhì bảng, thua Bỉ đúng 1 điểm. Họ thắng cả Pháp lẫn Bỉ, nhưng lại chỉ hòa Iceland tại sân nhà và thua trên sân đối phương. Đông Đức mất vé dự VCK EURO 1980 vì không giữ được chiến thắng sau khi dẫn trước Hà Lan 2-0; bị loại khỏi EURO 1988 vì một sai lầm ngớ ngẩn của thủ môn vào cuối trận...

Nhưng tóm lại, World Cup 1974 là giải lớn duy nhất mà đội tuyển Đông Đức được góp mặt ở VCK. Cúp C2 năm 1974 của Magdeburg là vinh quang duy nhất của bóng đá Đông Đức trên đấu trường 3 cúp châu Âu. Quá ít, so với tiềm năng thể thao một thời rất hùng mạnh của Đông Đức.

Và có thể nói, ĐT Đông Đức không có bất cứ ngôi sao nào suốt từ khi được thành lập vào năm 1952 đến khi đá trận cuối cùng vào năm 1990. Cội rễ của vấn đề nằm ở triết lý của bóng đá CHDC Đức, và triết lý ấy lại bị chi phối một cách nặng nề bởi cả nền chính trị lẫn xã hội của CHDC Đức.

"Thể thao không phải là để giải trí hoặc để đem lại niềm vui cho những cá nhân. Đấy là một công cụ để giáo dục lòng yêu nước và giáo dục xã hội", Manfred Ewald.

Thể thao là công cụ của chuyên chế
Từ đó, Đông Đức có một nền bóng đá phức tạp đến nỗi người ta nói rằng bạn không thể hiểu về bóng đá Đông Đức nếu chưa từng sống ở đất nước này. Thật ra, bóng đá và chính trị là mối liên kết không bao giờ lạ. Nhưng ngay cả khi đã hiểu rõ mối quan hệ này, người ta vẫn thấy bất ngờ trước những câu chuyện "thường ngày" trong làng bóng Đông Đức trước đây.

Sammer kể: có lần, anh được phát giày ở đội Dresden, lớn hơn đến 3 số so với cỡ giày của mình. Yêu cầu đổi giày là điều không thể chấp nhận, bởi BHL Dresden khẳng định: không có bất cứ "ngôi sao" nào trong đội. Đòi đổi giày chính là biểu hiện của một cầu thủ muốn trở thành ngôi sao!

Đấy chỉ là một ví dụ. Bóng đá Đông Đức không thể phát triển một cách bình thường một phần vì Đông Đức nói chung cũng như quan chức Manfred Ewald nói riêng thật sự không muốn nền bóng đá nước này phát triển theo xu thế chuyên nghiệp.

Ewald là người đứng đầu ngành TDTT Đông Đức, giữ ghế chủ tịch ủy ban Olympic nước này. Khẩu hiệu của ông: "Thể thao không phải là để giải trí hoặc để đem lại niềm vui cho những cá nhân. Đấy là một công cụ để giáo dục lòng yêu nước và giáo dục xã hội".

Ai xem bóng đá cũng biết, môn thể thao vua làm sao có thể phát triển nếu không có những người hùng, những ngôi sao. Và cái hiểu biết cơ bản ấy chính là một lời giải đáp vì sao cường quốc thể thao CHDC Đức không bao giờ trở thành cường quốc bóng đá.

Bóng đá Đông Đức dứt khoát không có ngôi sao, theo nghĩa không chấp nhận sự hiện diện của ngôi sao nào, đấy là một lẽ. Còn có một nguyên nhân nữa khiến bóng đá Đông Đức không thể phát triển: chỉ được xếp thứ 14 trong danh sách các môn thể thao cần được nhà nước Đông Đức đầu tư.

Tất cả những gì không bảo đảm đem về cho đất nước huy chương Olympic đều không được Đông Đức đầu tư hoặc khuyến khích phát triển. Mà trong chế độ "bao cấp", làm sao có thể phát triển nếu không được nhà nước đầu tư. Rút cuộc, dù có tài năng đi nữa, cầu thủ Đông Đức ngày xưa cũng chỉ thi đấu chiếu lệ.

Năm 1986, đội Dynamo Dresden của Hans-Juergen Doerner thắng 2-0 trong trận lượt đi gặp Bayer Uerdingen ở Cúp C2. Đến trận lượt về, Dresden lại dẫn 3-1 trên sân đối phương sau 60 phút! Nhưng Uerdingen mới là đội đi tiếp, vì sao? Vì họ ghi đến 6 bàn chỉ trong 30 phút chót. Nguyên nhân lớn hơn, theo như chính lời nói của chính Doerner: "Chúng tôi thắng để làm gì? Để trở thành người hùng ư?"!

  • Kinh Kha, Bongdaplus