Phông chữ

Tháng 4-2007, tại Cardiff (xứ Wales), hai quốc gia Ukraine - Ba Lan đã có cú ghi bàn ngoạn mục trong cuộc đấu với các đối thủ nặng ký là Hungary - Croatia, Italia để giành quyền đăng cai Euro 2012. Giờ đây, sau bao sóng gió, khi mọi sự đã hòm hòm, người ta đang chờ họ "ghi bàn quyết định" về công tác tổ chức Euro 2012 - diễn ra sau hơn 5 tháng nữa (khai mạc vào ngày 8-6-2012).

Cũng phải nhắc lại bối cảnh cuộc chạy đua đăng cai Euro 2012. Khi ấy, cặp Ukraine - Ba Lan lép vế hơn Italia, quốc gia đã chứng tỏ năng lực tổ chức tại World Cup 1990, cũng như Hungary - Croatia. Tiềm năng kinh tế thua kém các đối thủ nhưng Ukraine - Ba Lan lại có lợi thế từ việc LĐBĐ Châu Âu (UEFA) muốn xóa bỏ ranh giới Đông Âu và phần còn lại của Châu Âu tồn tại từ thời chiến tranh lạnh. Ukraine - Ba Lan được trao quyền đăng cai Euro 2012 và đó là lần đầu tiên kể từ năm 1980, khi Liên Xô cũ tổ chức Olympic, lại có một sự kiện thể thao lớn diễn ra tại Đông Âu.

Trao quyền đăng cai cho những quốc gia chưa mạnh về kinh tế là bước đi có phần mạo hiểm của UEFA, nhất là với trường hợp Ukraine. Bất ổn chính trị ở quốc gia này kéo theo những sa sút về kinh tế, khiến công tác chuẩn bị cho Euro 2012 bị đình trệ. Ba Lan đã gia nhập Liên minh Châu Âu (EU), hoàn toàn có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của EU nếu gặp khó khăn về tài chính, điều mà Ukraine không có được. Ukraine cũng như Ba Lan chỉ tổ chức Euro 2012 ở 4 thành phố nhưng yêu cầu của UEFA đối với cơ sở hạ tầng phục vụ thi đấu, đi lại, ăn ở, an ninh… rất cao. Xây mới SVĐ, thiết lập đường bay thẳng giữa các thành phố đăng cai Euro 2012, nâng cấp hệ thống đường sá, chuẩn bị phòng ở… tất cả ngốn của Chính phủ Ukraine và Ba Lan không ít tiền. Ước tính, tổng chi phí chuẩn bị cho Euro 2012 từ 40 đến 60 tỷ USD.

Chuyện chậm tiến độ các công trình phục vụ Euro ở Ukraine đã khiến UEFA nhiều lần "phát bực". Năm 2008, sau một cuộc thị sát ở Ukraine, UEFA đã "rút thẻ vàng" với BTC Euro 2012 của nước đồng chủ nhà này. Các công trình chậm tiến độ, tốc độ giải ngân chậm của chính quyền, sự tham gia hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân đã khiến Ukraine chậm chân hơn hẳn so với Ba Lan. Sau lần thị sát năm 2008 ấy, UEFA còn không ít lần thúc giục Ukraine. Nhẹ nhàng có, cứng rắn có. Thậm chí, đã có lúc UEFA tính đến chuyện tước quyền đăng cai của Ukraine và chuyển giao cho một quốc gia khác.

Phải đến khi chính trường Ukraine bớt dậy sóng vào năm 2010 thì sự chuẩn bị cho Euro 2012 mới được đẩy nhanh. Có người đã ví von rằng chỉ hơn một năm nắm quyền của ông Viktor Yanukovich, Ukraine đã làm được khối lượng việc chuẩn bị cho Euro 2012 của 3 năm trước đó cộng lại.

Nhờ sự kiên nhẫn chờ đợi của UEFA, những nỗ lực không mệt mỏi của Ukraine, cuối cùng đất nước Đông Âu này đã tránh được tình huống xấu nhất. Lời tuyên bố của Chủ tịch UEFA M.Platini "bất chấp khó khăn, Ba Lan và Ukraine đã nỗ lực kịp thời chuẩn bị cho ngày hội bóng đá Châu Âu vào mùa hè tới" đã giải tỏa nỗi lo bị tước quyền đăng cai của Ukraine.

Nước Đức đã tổ chức World Cup 2006 một cách gần như hoàn hảo, được cả thế giới ghi nhận, Thụy Sĩ - Áo cũng tổ chức Euro 2008 thành công, đó có lẽ là hình mẫu mà Ukraine và Ba Lan hướng tới. Markiyan Lubkivskyi, một quan chức trong BTC Euro 2012 ở Ukraine đã tuyên bố sẽ làm thế giới kinh ngạc về những gì diễn ra tại Euro 2012. Nhưng mong muốn là một chuyện, hiện thực hóa mong ước lại là chuyện khác.

Đến lúc này, những dự án hạ tầng ở Ba Lan lẫn Ukraine vẫn chưa kết thúc. Như ở thành phố Wroclaw, một trong những thành phố tổ chức Euro 2012 của Ba Lan, việc hoàn thiện SVĐ, xây đường băng mới, nhà ga chính, đồng thời mở thêm các tuyến đường tới SVĐ; triển khai hệ thống xe điện cao tốc phải trong quý I năm 2012 mới hoàn thành. Tại Ukraine, ở thành phố Lviv, cho đến cuối năm 2011, cổ động viên vẫn phải đi bộ hơn 3km từ trạm xe buýt gần nhất để đến sân Arena Lviv mới được xây dựng. Thành phố Donetsk lại thiếu phòng khách sạn khi, hiện mới chỉ đáp ứng được 1/2 trong tổng số 5.500 phòng mà UEFA yêu cầu. Đã vậy, giá thuê phòng cũng đã được đẩy lên cao ngất (phòng đơn rẻ nhất là 133 USD/đêm), đủ khiến người hâm mộ phải suy tính. Ngay cả việc lập ra đường bay thẳng từ Kiev, Dnepropetrovsk đến Donetsk như mong muốn của UEFA cũng vẫn là bài toán nan giải với các nhà tổ chức ở Ukraine. Nếu không hoàn thành đường bay này, nhiều cổ động viên sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển.

Dù sao, trong điều kiện của Ukraine - Ba Lan, khó có thể đòi hỏi sự trôi chảy trong khâu tổ chức ở Euro 2012. Nhưng có thể tin ngày hội bóng đá Châu Âu vào 6 tháng tới vẫn diễn ra suôn sẻ. Cứ nhìn vào cách vượt khó của các nước chủ nhà kỳ này là rõ.

  • Minh An, HNM