Phông chữ

Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) vừa mua bản gốc cuốn hồi ký của Giacomo Casanova, nhân vật nổi tiếng "tán gái thành thần" trong thế kỷ 18 vì có trong tay hơn 120 người tình. BNF giải thích rằng việc làm này là để bạn đọc Pháp có cái nhìn đầy đủ hơn về "người vô địch trên tình trường".

 

Trong một cuộc mua bán bản thảo được cho là đắt giá nhất từ trước tới nay, một doanh nhân giấu tên đã thay mặt Thư viện Quốc gia Pháp bỏ ra số tiền 7,2 triệu euro (9,7 triệu USD) để mua 3.700 trang giấy đã ố vàng là tập hồi ký Histoire de ma Vie (Chuyện đời tôi) của Giacomo Casanova. Các trang giấy này đã được chuyển tới cho BNF vào đầu tuần trước trong 13 chiếc hộp được bảo vệ kỹ lưỡng. Chúng là bản gốc, chưa từng bị ai hiệu đính, kiểm duyệt, chỉnh sửa. Chỉ một nhóm nhỏ các chuyên gia được lướt qua tập bản thảo này bởi trong hai thế kỷ qua chúng đã được cất giấu rất kỹ. Còn các cuốn Chuyện đời tôi được xuất bản về sau này bằng nhiều thứ tiếng thì đã bị chỉnh sửa rất nhiều.

Vì thế có thể hiểu được nỗi hân hoan của BNF khi có được bản gốc tập hồi ký. “Đây là cuộc mua bán lớn nhất mà BNF từng thực hiện nếu tính về mặt giá trị tiền bạc” - Giám đốc BNF Bruno Racine nói - “Hồi ký của Casanova đã được toàn thế giới biết tới nhưng các ấn bản đều đã bị kiểm duyệt và sửa chữa. Các bản thảo này đã được xác nhận chắc chắn là bản gốc”.

Racine không tiết lộ về danh tính nhà ảo tâm đã chi tiền mua tập bản thảo. Nhưng theo báo chí Pháp thì đây là doanh nhân đã theo đuổi dự án tới cùng, trong bối cảnh các nhà hảo tâm khác đều rút chạy vì suy thoái kinh tế. Việc mua  tập bản thảo của Casanova khởi đầu từ mùa Thu năm 2007, khi viên đại sứ Pháp ở Đức gọi điện cho Racine, nói rằng có một “phái viên bí mật” muốn đàm phán với BNF về tập bản thảo. Nhân vật này hóa ra là Hubertus Brockhaus, đại diện của Nhà xuất bản Brockhaus ở Đức, cơ quan nắm giữ bản gốc cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp từ năm 1821 sau khi mua lại từ tay gia đình Casanova. Nhà xuất bản Brockhaus về sau nói rằng họ vinh dự được đưa bản gốc Chuyện đời tôi cho BNF và qua đó tới đông đảo bạn đọc Pháp Cuốn hồi ký của Casanova nổi tiếng vì nó miêu tả nghệ thuật dụ dỗ, tán tỉnh và thậm chí là lừa bịp phụ nữ.

Tác giả Giacamo Casanova, sinh tại Venice (Italia) vào ngày 2/4/1725, là con cả trong gia đình có 6 đứa trẻ của một cặp vợ chồng diễn viên ca kịch. Tuổi thơ Casanova khá bất hạnh do cha qua đời sớm, còn mẹ thì chỉ mê say nghề mà bỏ rơi việc chăm sóc con cái.

Ban đầu Casanova dự định trở thành linh mục, tuy nhiên sau khi nghe lời khuyên của một linh mục có tài nhìn người, ông đã từ bỏ ý định không phù hợp này. Trong thời gian sống với người thầy là linh mục Abbe Gozzi, Casanova đã phát hiện ra ông này “phá giới” vì lén lút yêu đương. Chính cô em gái Bettina của Gozzi là người đầu tiên khơi dậy trong Casanova những rung động đầu đời khi ông mới 11 tuổi. “Cô gái đó luôn khiến tôi vui dù tôi không biết vì sao. Chính là cô ấy, từng chút một, đã làm xuất hiện các tia lửa tình ái kỳ lạ, về sau này trở thành cảm xúc chủ đạo trong tôi” - Casanova viết trong hồi ký.

Sau khi gây ra nhiều bê bối Casanova phải rời nhà linh mục Gozzi và trải qua nhiều cuộc phiên lưu, làm luật sư, làm lính, tay chơi cờ bạc, nghệ sĩ violon. Lối sống phóng túng, nay đây mai đó tạm chấm dứt khi Casanova cứu mạng nghị sĩ Matteo Giovanni Bragadin và được ông này đưa về nhà nuôi như con trai.


Tuy nhiên cuộc sống nhung lụa vẫn không khiến Casanova chừa được tật đánh bạc, tán tỉnh phụ nữ bừa bãi và đùa quá trớn. Ông đã phải rời khỏi Venice sau một lần đào mộ lấy xác chết để hù dọa địch thủ. Trò đùa tai ác đã khiến nạn nhân sợ tới mức bị liệt vĩnh viễn. Sau khi rời khỏi Venice, Casanova tới các thành phố lớn của châu Âu như Paris, Dresden, Prague và Vienna. Ông chỉ trở lại Venice vào năm 1753 và bị bắt vì bị buộc tội báng bổ Thiên Chúa giáo.

Casanova đã dàn dựng một cuộc chạy trốn tài tình cùng một linh mục rồi trở lại Paris. Casanova có 12 năm cuối đời cô độc và buồn bã tại chốn lưu vong là CH Czech ngày nay. Đó cũng chính là nơi ông viết cuốn hồi ký về sau trở nên nổi tiếng.

Trong Thế chiến II, người ta nghĩ rằng bản thảo cuốn hồi ký đã không còn khi quân Đồng minh ném bom Leipzig và phá hủy văn phòng của Nhà xuất bản Brockhaus. Tuy nhiên  nó vẫn còn nguyên vẹn trong tầng hầm của tòa nhà. Một thành viên trong gia đình Brockhaus là Frederic- Arnold  đã thu xếp để cuốn hồi ký được chuyển lậu ra khỏi Leipzig vào năm 1945. Do nội dung chứa đựng những thông tin chi tiết về việc chinh phục hơn 100 phụ nữ, một vài người đàn ông và ít nhất 1 nữ tu nên cuốn hồi ký đã bị kiểm duyệt gắt gao, chỉnh sửa không ít chỗ. Phải tới năm 1960, một phiên bản hoàn chỉnh của cuốn sách mới được in ra bằng tiếng Pháp, tuy nhiên nó cũng khác nhiều so với bản gốc. Được biết, hiện nay Bộ Văn hóa Pháp có ý định xuất bản một cuốn sách phê bình về cuốn hồi ký của Casanova đồng thời mở một cuộc triển lãm bản thảo gốc. Cuộc triển lãm đầu tiên sẽ diễn ra tại Paris vào năm 2011 trước khi chuyển tới Venice, Áo, và Berlin, Đức. Cuốn hồi ký sẽ cho thấy một Casanova đầy đủ, toàn diện và phức tạp hơn những gì dư luận đã từng biết về ông.