Phông chữ
Thời gian gần đây, tình trạng học thêm tại Đức bùng nổ mạnh. Cứ 8 học sinh thì có một em đi học thêm. Theo khảo sát của Hiệp hội Bertlsmann, một tổ chức giáo dục, văn hoá, chính trị lớn của Đức, số tiền các bậc phụ huynh đầu tư cho con em mình trong khoản này đã tăng lên đến 1,5 tỷ Euro hàng năm. Lệ phí trung bình cho con một giờ học từ 10 đến 20 Euro. Như vậy, bên cạnh giờ học chính, có một số lượng vô cùng lớn giờ học thêm.

Mặc dù toán là môn học ưa thích của phần lớn học sinh, song số giờ học thêm toán lại nhiều không kém các giờ học thêm ngoại ngữ hay tiếng Đức. Việc hổng kiến thức có ở tất cả các môn học, nhu cầu học thêm xuất hiện sớm ngay từ cấp tiểu học. Theo nhà nghiên cứu giáo dục Klaus Klem của Hiệp hội trên, nguyên nhân do bảng điểm ở cuối cấp tiểu học sẽ là cơ sở để đánh giá bậc học tiếp theo Gymnasium, Real – hay Hauptschulen. Vì vậy, việc chuẩn bị tốt kiến thức là điều cần thiết. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc học thêm: học sinh thiếu kĩ năng, phương pháp học, thiếu tập trung và thiếu động lực.

Số liệu nghiên cứu của Bertlsmann cho thấy Baden-Wurttemberg là tiểu bang học sinh học thêm nhiều nhất. Các tiểu bang thuộc miền Nam có thu nhập cao, cha mẹ có nguồn tài chính mạnh, vì vậy việc học thêm không chỉ để cải thiện điểm số thấp mà còn mong muốn điểm số cao giúp cho con mình có nhiều cơ hội hơn ở các kì thi trong tương lai. Ông Jörg Dräger, Chủ tịch Hiệp hội Bertlsmann cho rằng, không thể để tồn tại tình trạng một hệ thống chi phí tài chính cá nhân cho nền giáo dục, độc lập với hệ thống giáo dục chung. Tất cả các trường học phải đảm bảo mọi học sinh phát huy được hết năng lực cho mình.

Phải chăng cần có sự thay đổi trong giáo dục? Từ lâu, lãnh đạo ngành giáo dục đã nỗ lực giải quyết vấn nạn học thêm tràn lan. Một thực tế mà giáo viên phản ánh là khối lượng kiến thức cần chuyển tải quá nhiều so với lượng thời gian, thêm vào đó, ở các lớp học tồn tại sự chênh lệch về trình độ của học sinh. Hệ thống giáo dục thông thường đã bị quá sức. Bà Vera Reiß, Thư ký Bộ Giáo dục Reinland Pfalz cho biết, tại tiểu bang này, xác định việc nâng cao nghiệp vụ giáo viên là một mong muốn. Đó là một việc hiển nhiên phải làm nhằm cải tiến phương pháp giảng dạy.

Trên thực tế, ngày càng nhiều trường ở Đức đã tự nỗ lực tạo giờ học riêng để có thể giúp các học sinh năng lực yếu theo kịp. Theo ý kiến của một giáo viên tiểu học tại Berlin, thì có thể tăng cường 2 giáo viên trong một giờ học, ngoài ra việc phân cấp và nội dung học cũng cần phải được cải tổ. Chủ tịch Hiệp hội Bertlsmann cho rằng, hình thức học một giáo viên độc thoại trước học sinh cần phải thay đổi.

Các chuyên gia giáo dục nhất trí rằng, một vài năm nữa, giáo dục mới có được giải pháp để tránh tình trạng hiện nay. Do đó, trong thời gian này nhu cầu học thêm vẫn bùng nổ, các trung tâm mọc lên như nấm, hiện có tới khoảng 4000 trung tâm dạy thêm được thành lập. Nếu đúng là cần thiết, thì trong một rừng dạy thêm đó, phụ huynh phải làm gì để có thể tìm được gia sư tốt nhất cho con em mình. Các phóng viên của Stern TV đã bí mật sử dụng camera theo dõi và kiểm tra chất lượng các giờ học thêm.

Trong 6 gia sư, thì chỉ có một trường hợp giúp cho điểm số môn toán của học sinh mình được cải thiện. Theo Cornelia Sussieck, Chủ tịch của Hội Gütegemeinschaft INA-Nachhilfeschulen, một gia sư tốt phải là người vừa có chuyên môn, vừa có khả năng sư phạm, đồng thời có phương pháp giảng dạy. Rất nhiều trung tâm quảng cáo có chứng chỉ, cả những Website cũng quảng bá rằng “giáo viên được sát hạch”, nhưng đó chỉ là giấy phép hành nghề hay bản sao chứng minh thư.Một sát hạch chính thống đối với gia sư là không có. Vì vậy hiệp hội “INA-Nachhilfeschulen” đã đưa ra một dạng chứng chỉ gọi là “Nachhilfeführeschein”. Để có chứng chỉ này gia sư cần một số điều kiện nhất định, chẳng hạn ít nhất phải là một tư vấn giáo dục tại một trường học nào đó. Thông tin chi tiết có thể xem tại www.ina-schulen.de. Hiệp hội TÜV cũng có chứng nhận về giờ dạy chất lượng, thông tin xem tại www.tuev.com.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng giúp học sinh yếu kém cải thiện tình hình là việc học thêm phải có sự kết hợp chặt chẽ với các giờ học trên lớp. Trước khi học, nên thảo luận cùng gia sư để tìm ra vấn đề, từ đó lên kế hoạch ôn luyện phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đề ra.