Phông chữ
Có 2 cột mốc liên quan đến bóng đá đông Đức trong thời gian này, nói chung đều buồn. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên kể từ khi nước Đức thống nhất, bảng hạng Nhất Bundesliga không còn đại diện nào đến từ miền đông. Hertha Berlin rút cuộc cũng đã sụp đổ. Thật ra, Hertha thuộc Tây Đức cũ (ở Tây Berlin), nhưng ít ra thì đấy cũng là đội bóng thuộc miền đông về mặt địa lý.

Chứ nếu chỉ tính các CLB từng thuộc Đông Đức cũ, thì bóng đá Đông Đức đã bị Bundesliga xoá sổ từ khi Hansa Rostock và Energie Cottbus lần lượt rớt hạng. Cột mốc thứ hai: người ta vừa nhắc đến sự kiện tròn 20 năm kể từ ngày đội tuyển Đông Đức cũ đá trận cuối cùng (thắng 2-0 trên sân Bỉ vào ngày 12-9-1990, Matthias Sammer ghi cả 2 bàn). Chỉ nhắc thế thôi, chứ cũng chẳng có gì để kỷ niệm trận đấu chẳng được ai nhớ đến ấy.

Vấn đề đặt ra: vì sao miền đông trong làng bóng Đức vẫn cứ lụn bại, dù nước Đức đã thống nhất 20 năm nay, và dù là miền Đông hay miền Tây thì đều không thiếu tài năng bóng đá?

Nguyên nhân đầu tiên vẫn là lý do muôn thuở: không có tiền. Tuy nhiên, hãy phân tích kỹ hơn: vì sao các đội phía đông không có tiền? Đấy là do họ không có khả năng kêu gọi nhà tài trợ, thiếu trình độ huấn luyện và còn do cả một lịch sử yếu kém về năng lực quản lý. Ngày xưa, CHDC Đức là một cường quốc thể thao, đặc biệt rất mạnh trong những môn thiên về thể lực như điền kinh hay bơi lội. Nhưng CHDC Đức chưa bao giờ là cường quốc bóng đá.

Không phải ngẫu nhiên mà hồi đầu những năm 1990, Thomas Doll, Andreas Thom hoặc Matthias Sammer đều trở thành ngôi sao bóng đá, toả sáng ở mức độ trước đó bóng đá CHDC Đức không có. Đấy là vì các ngôi sao này đã chuyển sang phía Tây và được truyền đạt những phương pháp huấn luyện mới. Sammer là cầu thủ của Đông Đức thật. Nhưng anh chỉ nổi tiếng ở Stuttgart, Inter Milan, Borussia Dortmund.

Trước đây, Đông Đức cũng có không ít đội bóng khá thành công như Lokomotive Leipzig, Magdeburg hoặc Dynamo Dresden. Nhưng các CLB ấy không bao giờ phải tự mình kiếm nhà tài trợ. Họ không có nhu cầu kinh doanh bóng đá để tự sống bằng năng lực tài chính của mình. Họ cũng chẳng cần cố gắng lùng sục tài năng, tuyển trạch. Bây giờ, mọi chuyện đều đã thay đổi, nhưng cách làm cũ không dễ lập tức chuyển mình. Đấy là đặc điểm chung ở những nền bóng đá đông Âu khác. Nhưng ít ra, những nơi khác như Sparta Prague tại CH Séc, Dynamo Kiev ở Ucraina hoặc CSKA Moscow ở Nga đều khá hơn bóng đá Đông Đức cũ về mặt truyền thống. Hơn nữa, những nơi ấy, Nga chẳng hạn, không hẳn là thiếu tiền trong giai đoạn này.

Bây giờ, nơi từng là bóng đá Đông Đức cũ thuộc về NOFV tức LĐBĐ Đông - Bắc Đức. Chủ tịch NOFV Georg Moldenhauer bình luận: “Suốt 20 năm qua, chúng tôi thường chỉ than vãn là giới tài trợ đã quên lãng khu vực này, không đổ tiền vào khu vực này để giúp phát triển bóng đá. Ít ai tự hỏi, vì sao chúng tôi không thể kêu gọi tài trợ”. LĐBĐ Đức cũng đã có những kế hoạch giúp đỡ để phát triển khu vực miền đông, nhưng không đủ. Trong bóng đá chuyên nghiệp, không bao giờ là đủ, nếu như người ta chỉ chờ sự giúp đỡ để phát triển.