Phông chữ

Sau chiến thắng của Đức trên chấm phạt đền trước Italy ở vòng tứ kết, chuyên gia Ben Lyttleton đã có những phân tích tỉ mỉ về những loạt sút rất cân não này.


Thành tích đá luân lưu của tuyển Đức rất tốt.
 
Người Đức nổi tiếng với thần kinh thép. Bởi vậy, họ rất bản lĩnh mỗi khi bước vào loạt đấu súng cân não, nơi chiến thắng chỉ dàng cho những cái đầu lạnh và miễn nhiễm với môi trường xung quanh. Thống kê cũng chỉ ra, không đội nào hơn được tuyển Đức về sút luân lưu. Số liệu đứng về người Đức, song, không phải lúc nào cũng tuyệt đối.

Sút penalty cần một cái tôi rất lớn và bản ngã vững vàng. Những người sút sau thường bị tăng áp lực nếu đội bên kia thực hiện thành công. Vài ngày trước, chính Jakub Blaszczykowski đã sút hỏng lượt của mình khiến Ba Lan bị Bồ Đào Nha loại ở tứ kết. Rồi ngay cả một cầu thủ giàu kinh nghiệm như Bastian Schweinsteiger cũng đá hỏng.

Những dữ kiện đó cho thấy thống kê là một sự xa xỉ khi bước vào loạt sút penalty. Đó còn chưa kể người thực hiện các loạt sút luân lưu càng danh tiếng chừng nào thì áp lực càng nặng nề hơn. Nhìn lại các cầu thủ Đức sút hỏng 11 mét trước Italy, đó là những ngôi sao đẳng cấp của làng túc cầu với Thomas Muller, Mesut Oezil và Bastian Schweinsteiger.

Tiến sĩ Geir Jordet đến từ Na-uy đã thực hiện 37 cuộc nghiên cứu về các loạt sút penalty ở World Cup, Euro và Champions League. Ông làm phép thống kê trên 298 cầu thủ khác nhau với tổng lượt sút là 366. Ông cũng chia các cầu thủ này thành 3 nhóm chính: cầu thủ tên tuổi, cầu thủ bình thường và cầu thủ triển vọng.

Những cầu thủ tên tuổi thuộc nhóm từng lọt vào đội hình xuất sắc năm của FIFA, danh sách đề cử Quả bóng Vàng, cầu thủ của năm ở Nam Mỹ... Nhóm này có 41 người được tính trong 67 loạt sút. Cầu thủ bình thường là những người chưa từng giành danh hiệu nào trong sự nghiệp, còn nhóm tiềm năng có cơ hội làm điều đó trong tương lai.

Nhìn chung, trong số 366 loạt sút, đã có 74% các pha thực hiện thành công. Các cầu thủ tên tuổi cũng chỉ thành công trong 59% số lần sút của họ. Trong khi nhưng cầu thủ bình thường thành công đến 74% và con số này của nhóm triển vọng lên đến 89%. Điều này nói lên một thực trạng, những cầu thủ nổi tiếng sẽ gặp nhiều khó khăn và áp lực hơn số còn lại.

Những loạt sút tuyệt vời của những cầu thủ tiềm năng như Julian Draxler, Kimmich và Hector là minh chứng cho việc không chịu nhiều áp lực dù đó mới chỉ là lần đầu tiên của họ trong một giải đấu lớn. Vừa qua, tiền đạo Thomas Müller quyết định sẽ không thực hiện những quả 11 mét nếu Đức chạm trán tuyển Pháp. Lựa chọn đó xem ra rất sáng suốt.


Thomas Müller đá hỏng 11 mét trong trận tứ kết gặp Italy.

Tuyển Đức là vua châu Âu về tỷ lệ giành chiến thắng trong loạt penalty, nhưng điều này không giống bất kỳ thứ gì trong quá khứ. Họ có quá nhiều pha bỏ lỡ với Italy và đây sẽ là lợi thế cho các đối thủ trong tương lai mà trước mắt có thể là tuyển Pháp. Đức không mạnh trong những loạt sút luân lưu, dù vậy, họ có người gác đền Manuel Neuer trứ danh làm điểm tựa.

Kể từ năm 2008, Neuer đã để thủng lưới 14 trong 22 lần đứng trước một quả penalty (63%). Vì vậy, những cầu thủ thực hiện loạt sút penalty phải nhắm vào góc xa, rất dễ ra ngoài, để tìm kiếm cơ hội nhiều hơn trước người gác đền bản lĩnh. Đó còn chưa kể sức ép lên các cầu thủ thực hiện loạt sút cũng từ đó mà tăng lên.

Điều này lí giải vì sao có những bước chạy đà kì lạ của Zaza hay hành động không cần thiết của Graziano Pellè. Liệu các mũi nhọn Italy này có làm điều tương tự với một thủ thành không có tên tuổi như Neuer hay không? Zaza còn gần như không có kế hoạch cụ thể cho mình, anh đã chạy đà như một người thuận chân phải nhưng cuối cùng sút bằng chân trái.

Cựu tiền đạo Anh Lineker từng nói: “Bóng đá là trò chơi của hai mươi hai người đàn ông, tranh nhau một quả bóng và chiến thắng cuối cùng luôn thuộc về đội Đức”. Câu nói đó rất hiệu nghiệm mỗi khi bước vào loạt sút 11 mét. Khi sự đã thế, đừng ngạc nhiên khi Đức sẽ hạ Pháp trên chấm 11 mét trong trận bán kết vào thứ sáu tới, và lấy luôn chức vô địch trong trận chung kết.

Bongdanet