Phông chữ

Trong quá trình thực hiện cuốn sách “Soccernomic - Nền kinh tế bóng đá” của mình, tác giả Stefan Szymansk đã nghiên cứu số liệu của 40 CLB Anh trong vòng 20 năm liền và chỉ ra rằng: trong 92% các trường hợp, sự chênh lệch về lương thưởng của các CLB đồng thời cũng quyết định sự khác biệt về vị trí của họ cuối mùa giải. Có quỹ lương nhiều hơn, 92% khả năng là xếp cao hơn. Con số này với Serie A còn rõ ràng hơn, 93%.

Tiền nào vị trí nấy, đó là một học thuyết vô hình đã chi phối tư duy của hầu hết các CLB châu Âu. Và đó là lý do khiến các giải đấu hàng đầu châu Âu liên tục phá vỡ quỹ lương của mình, khiến họ nợ như Chúa Chổm và đưa UEFA vào cơn đau đầu bất tận. Với một số CLB, như Bolton, họ sẵn sàng chi ra tới 80% doanh thu để trả lương cầu thủ (41 triệu bảng tiền lương/mùa so với doanh thu khoảng 50 triệu)

Bundesliga không cho phép mình lao theo lý thuyết ấy. Một phần bởi thuế thu nhập ở Đức thuộc hàng cao nhất châu Âu, khiến các CLB phải gồng mình gánh tới 150% lương họ trả cho cầu thủ. Phần khác là bởi cách làm bóng đá của người Đức. Hiện tại, tỷ lệ tiền trả lương/doanh thu của 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu là 63%. Trong đó, “công tử Bạc Liêu” Premiership chi tới 73% doanh thu của mình cho việc trả lương (1,7 tỷ euro so với 2,3 tỷ euro). Nhưng với Bundesliga, tỷ lệ này là... 45%.


Trước thềm EURO 2008, tờ Bild công bố, tổng mức lương của 26 cầu thủ được HLV Joachim Loew triệu tập cho chiến dịch chuẩn bị cho VCK là 100 triệu euro. Nếu không tính Ballack, đang hưởng mức đãi ngộ “trên trời” ở Premiership với khoảng 8 triệu euro/mùa, thì 25 tuyển thủ Đức còn lại nhận trung bình 3,6 triệu euro/người, nghĩa là bằng khoảng 2/5 lương của các tuyển thủ Anh như Ferdinand, Terry, Gerrard, Lampard, Rooney… Chủ tịch Peter Danckett của Ủy ban thể thao của Quốc hội Đức đã gọi đó là một “sự điên rồ” và kêu gọi tiếp tục cắt giảm lương. Một chi tiết cho thấy người Đức cực kỳ thận trọng với vấn đề chi tiêu trong bóng đá.

Sự thận trọng ấy đã dẫn đến việc DFB trực tiếp nhúng tay vào việc quản lý tài chính của từng CLB ở mức độ nhất định và khiến cho Bundesliga không thể thu hút các ngôi sao lớn. Thu hút sao được khi mức lương cho ngôi sao sáng nhất của một đội bóng dự Champions League như Diego thời còn đá cho Bremen chỉ là 4 triệu euro/mùa, bằng với một cầu thủ không có suất trong đội tuyển Anh như Scott Parker.

Vấn đề nào cũng có 2 mặt. Bundesliga không thể thống trị châu Âu theo cách của người Anh, nhưng đồng thời, họ cũng chẳng bao giờ lo niềm tự hào của mình bỗng dưng... biến mất theo kiểu Leeds United hay Middlesbrough.

Quy định 50+1 của bóng đá Đức

Quy định này không cho phép bất kỳ cá nhân nào (trong nước cũng như ngoài nước) sở hữu đến 50% cổ phần trong một đội bóng ở Đức. Điều này dẫn đến thực trạng là các đội bóng Đức đều thuộc sở hữu công cộng, giống như mô hình của Real Madrid hoặc Barcelona ở TBN.

Thế nên, khi đội Hoffenheim vươn lên, làm mưa làm gió ngay trong lần đầu tiên dự Bundesliga ở mùa bóng trước, người ta cứ nói đấy là “Hoffenheim của Dietmar Hopp”. Đúng là tỷ phú Hopp đã không tiếc tiền tài trợ để biến đội bóng nhỏ bé Hoffenheim thành một hiện tượng. Nhưng nói “Hoffenheim của Hopp” là sai hoàn toàn. Đấy vẫn là đội bóng thuộc quyền sở hữu công cộng, thuộc về các thành viên có thẻ của đội.

Vì quy định này, bóng đá Đức bị cho là nghèo hơn so với các đội bóng giàu mạnh ở Anh, từ đó không có tiềm năng vô địch Champions League. Nếu một tỷ phú như Roman Abramovich muốn đầu tư tiền tỷ vào một đội bóng ở Đức, ông ta sẽ bị ngăn cản bởi quy định “50+1”. Không ít những nhà bình luận trong hoặc ngoài nước Đức đã chỉ trích quy định này và cho rằng bóng đá Đức đang tụt hậu vì sự bảo thủ này.

Thế nhưng, khi DFL họp với đại diện của các đội bóng hạng Nhất và hạng Nhì để biểu quyết về việc xóa bỏ quy định “50+1”, thì chỉ có 1 phiếu thuận. Đề nghị này vốn do Hannover đưa ra, nhưng khi chuẩn bị bỏ phiếu thì đại diện Hannover lập tức trở về vì sự kiện Robert Enke tự tử. Dù sao, có tính thêm lá phiếu của Hannover, phe chống “50+1” vẫn chỉ có 2 phiếu. Thế là quy định vẫn được giữ nguyên. Đa số các đội bóng Đức cho rằng họ vẫn có thể tồn tại và phát triển bền vững theo kiểu cũ, không cần kêu gọi đầu tư một cách ồ ạt từ các tỷ phú.

Một trong những hệ quả quan trọng khi bóng đá Đức giữ lại quy định “50+1” là các đội ở Bundesliga chắc chắn không bao giờ bị một doanh nhân nước ngoài mua đứt, làm “món đồ chơi” như các đội bóng bên Anh. Nhưng ngược lại, không ít nhà đầu tư đã than vãn một cách nghiêm túc: họ muốn đổ tiền giúp các CLB Đức phát triển nhưng chẳng được.

Bạn có biết?

LĐBĐ Đức (DFB) quản lý tài chính của các CLB cực kỳ chặt chẽ. Sau mỗi mùa giải, các CLB phải nộp đơn xin giấy phép được tham dự mùa giải tiếp theo và giấy phép sẽ chỉ được cấp nếu CLB không có nợ xấu. Những CLB Bundesliga mang nợ như Hertha Berlin hay Schalke sẽ buộc phải chứng minh rằng nợ của họ là dài hạn và chưa mất khả năng thanh toán. Đồng thời, mọi hoạt động chuyển nhượng của những CLB này cũng sẽ bị DFB quản lý: họ chỉ được phép mua cầu thủ sau khi đã bán một cầu thủ khác với giá tương đương.

Bundesliga cũng có một quy chế rõ ràng trong việc phạt tiền và trừ điểm những CLB không đảm bảo sự lành mạnh về tài chính. Kaiserslautern, một trong những thế lực cựu trào của bóng đá Đức, từng nhận án phạt trừ 3 điểm và chịu phạt 125.000 euro ở mùa giải 2003/04 vì không công bố rõ ràng tình trạng tài chính.