Phông chữ

Các câu lạc bộ tham dự giải bóng đá hàng đầu nước Đức đều thuộc về chính những cổ động viên, không nằm trong tay bất kỳ tài phiệt nước ngoài nào.

 

Từ nhiều năm nay, bóng đá châu Âu đã bắt đầu quen với sự xuất hiện của các ông chủ người nước ngoài. Xu hướng này bắt đầu từ nước Anh khi nhiều tỷ phú người nước ngoài đổ tiền ra mua các đội bóng ở giải Ngoại hạng và sau đó là cả giải hạng Nhất. Trào lưu này nhanh chóng lan rộng ra nhiều giải vô địch lớn khác tại châu Âu. La Liga, Serie A hay Ligue 1 cũng dần xuất hiện những ông chủ ngoại quốc với túi tiền rủng rỉnh.

Sự xuất hiện ồ ạt của những người chủ đội bóng không phải dân bản địa xuất phát từ việc quy định về sở hữu đội bóng ở những giải đấu này khá dễ dàng. Bất kỳ đối tác nào trả giá cao nhất sẽ được sở hữu câu lạc bộ. Họ chẳng cần quan tâm đến ý kiến, nguyện vọng của các cổ động viên bản địa, những người đã ủng hộ đội bóng suốt chiều dài lịch sử. Nhưng bóng đá Đức thì không cho phép chuyện đó xảy ra nhờ một điều luật có tên là "50+1".

Theo quy định của Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), các câu lạc bộ tại Bundesliga phải tuân thủ quy định 50+1, tức là các thành viên của đội bóng (những cổ động viên có thẻ hội viên) phải được sở hữu tối thiểu 51% cổ phần tại đội bóng. Không một cá nhân nào được phép sở hữu nhiều hơn 49% cổ phần tại các đội bóng Đức. Chỉ có hai ngoại lệ là VfLWolfsburg và Bayer 04 Leverkusen vốn được hai tập đoàn Volkswagen và Bayer thành lập.

Vì thế, việc một ông chủ nước ngoài sở hữu một đội bóng tại Đức là điều bất khả thi. Ngoài ra, sau khi kết thúc mỗi mùa bóng, để được phép tham dự Bundesliga mùa tiếp theo, các câu lạc bộ còn phải vượt qua những yêu cầu ngặt nghèo về tài chính của DFB, đặc biệt là về năng lực tài chính và các khoản nợ.

Những quy định này là nền tảng pháp lý quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của Bundesliga, ngăn cản sự "xâm chiếm" của các tỷ phú nước ngoài như tại nhiều giải vô địch quốc gia khác. Đồng thời, chúng giúp cho giải đấu của người Đức là nơi có sự ổn định về tài chính tốt nhất thế giới, ngay cả khi các giải đấu hàng đầu khác tại châu Âu đều đang chìm trong nợ nần.

Theo bản báo cáo tài chính mới được công bố gần đây của công ty kiểm toán Deloitte, ở mùa giải 2014-2015 vừa qua, các câu lạc bộ Bundesliga lãi 1,4 tỷ euro. Đây là mùa giải thứ 10 liên tiếp giải đấu này sinh lãi. So với các giải đấu khác, mức lãi của Bundesliga chỉ kém Ngoại hạng Anh, giải đấu sở hữu bản quyền truyền hình giá trị nhất thế giới. Điểm đáng chú ý là phần lớn các đội bóng tại Bundesliga đang có lãi đều và nếu có mắc nợ thì con số cũng không quá lớn.

Minh Trí, VNE