Phông chữ
Trong thời gian cắm trại tại một vùng hẻo lánh, kề bãi tắm Benaulim Beach nổi tiếng ở bang Goa phía tây Ấn Độ vào trung tuần tháng 3 vừa rồi, nhóm du khách Israel có dịp làm quen với một người đàn ông gốc Âu luống tuổi đang cư ngụ tại đây.

Lầm tưởng đó là những người Mỹ đi nghỉ hè, đương sự giới thiệu mình là đồng hương cũng như đồng tên với nhà soạn nhạc lừng danh người Đức Johann Bach; đồng thời trơ trẽn khoe rằng hồi Thế chiến II từng lãnh đạo một trại tập trung chuyên trấn áp dân Do Thái...

Nguồn tin được cấp báo cho nhà chức trách ở Tel-Aviv. Cảnh sát Israel liền liên lạc với Cảnh sát Đức nhằm xác nhận hành tung kẻ bí ẩn. Đó là Johann Bach, cựu đại tá Hiến binh phát xít (SS) kiêm Trưởng Ban quản lý một trại tập trung ở ngoại ô Berlin, một trong những tên tội phạm chiến tranh Quốc xã hàng đầu bị truy nã gắt gao vì đã tàn sát hơn 12 nghìn người Do Thái năm 1942.

Sau khi Hitler bại trận, J.Bach chạy sang Argentina và lẩn trốn tại đó suốt 4 thập niên ròng.  Những năm sau này hắn di chuyển chỗ ở liên tục hòng trốn tránh sự tầm nã. Từ Argentina qua Canada, rồi Bulgaria, Yemen... Hai năm gần đây, J.Bach chọn Ấn Độ làm nơi tá túc.

Thực ra Cơ quan Mật vụ Đức đã lần ra dấu vết viên đồ tể SS đang ẩn náu ở Ấn Độ hơn 5 tháng trước, khi Bach cho đăng mẩu rao vặt trên báo địa phương bán cây đàn dương cầm từ thế kỷ XVIII, đồng thời nhấn mạnh đó là hiện vật độc nhất vô nhị trên thế giới.

Cơ quan chức năng xác minh rằng cây đàn cổ đã "không cánh mà bay" khỏi Bảo tàng Âm nhạc Berlin ngay thời điểm Thế chiến II sắp chấm dứt. Theo đề nghị từ phía Đức, Sở Cảnh sát bang Goa đã dò tìm và phát hiện chủ nhân của mẩu rao vặt là một người ngoại quốc mang hộ chiếu Argentina. Mật vụ Đức liền nghi ngay đó chính là  Johann Bach, nếu còn sống nay đã 90 tuổi...

Linh cảm đang bị theo dõi nên J.Bach quyết định đào tẩu khỏi nơi cư trú. Hắn gọi một chiếc taxi gần nhà để đi sang thành phố thuộc bang khác, nhưng lại xuống giữa đường và lẩn trốn vào rừng. Sau vài giờ truy đuổi các nhân viên mật vụ Đức kết hợp với Cảnh sát Ấn Độ đã bắt được J.Bach.

Theo Hiệp định Hỗ trợ Tư pháp đã ký giữa Liên bang Đức và Cộng hòa Ấn Độ, J.Bach lập tức bị đưa về Berlin chờ ngày dẫn giải sang Hà Lan cho Tòa án Quốc tế về tội phạm chiến tranh xét xử.