Phông chữ

Việc Marianne Bachmeier bắn chết kẻ sát hại con gái mình ngay tại phiên tòa xét xử tên sát nhân được ghi vào lịch sử hình sự của Đức.


Ngày 6/3/1981, khi Marianne Bachmeier bước vào phòng xét xử của tòa án Luebeck, bà quyết định sẽ bắn chết kẻ sát hại con gái mình ngay tại phiên tòa. Y thắt cổ cô bé Anna mới 7 tuổi cho tới chết. Cho tới nay vẫn chưa rõ trước đó y có xâm hại tình dục cô bé hay không. Bachmeier bắn 8 viên đạn vào tên sát nhân, trong đó 6 viên vào những vị trí hiểm. Sau khi bị bắn, máu của y lênh láng trên sàn nhà.

Sau đó hai năm, ngày 2/3/1983, Bachmeier bị kết án 6 năm tù vì tội giết người và sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Vụ án gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi về hành động tự xử. Đây là một trường hợp phức tạp, vì hung thủ Klaus Grabowski, khi đó 35 tuổi, có thể xâm hại tình dục con gái của Bachmeier là Anna vào ngày 5/3/1980 tại căn hộ của y ở Luebeck và sau đó vì sợ tội đã thắt cổ cháu bé cho tới chết.

Ngay tối hôm đó, y bị bắt và 10 tháng sau, y bị đưa ra xét xử tại tòa. Grabowski thú nhận dùng một chiếc quần tất thắt cổ cháu bé nhưng phủ nhận có hành vi xâm hại tình dục.

Marianne Bachmeier cũng ngồi trong phòng xét xử theo dõi vụ án và cảm thấy bị xúc phạm sâu sắc, vì Grabowski đổ một phần tội lỗi của mình cho con gái bà. Xem chừng bà có quyết định từ sớm là phải giết chết kẻ sát hại con gái bà. Sau này, khi trả lời phỏng vấn báo chí về hành động của mình, Bachmeier cho biết bà muốn báo thù cho con và ngăn cản Grabowski tiếp tục nói những điều dối trá về con gái mình.

Điều này cũng được xác nhận trong bộ phim tài liệu của đài truyền hình WDR được sản xuất năm 2005 dưới tiêu đề "Sự báo thù của Marianne Bachmeier". Trong bộ phim, bạn gái thân nhất của Bachmeier cho biết, trước khi hành động, Bachmeier tập bắn dưới tầng hầm cách âm của một quán bia ở Luebeck. Bà chôn khẩu súng dưới mộ của Anna và nói với một người bạn: "Nếu tôi không chịu đựng nổi nữa, tôi sẽ lấy vũ khí ra".

Trong ngày xét xử thứ 3, ngày 6/3/1981, Bachmeier giấu khẩu súng và lén mang vào phòng xét xử. Trong một chương trình truyền hình năm 1995, Bachmeier kể lại, khi nghe Grabowski muốn tiếp tục có lời khai, một ý nghĩ đã nảy ra trong đầu: "Không thể để y nói xấu con gái ta một lần nữa!".

Bachmeier rút súng và bắn thẳng vào Grabowski đang ngồi trên ghế bị cáo. Một nhân chứng nhớ lại: "Tôi đột nhiên nghe tiếng súng và đếm theo. Grabowski liền gục ngay tại chỗ". Theo đó, Bachmeier bắn liền 8 viên đạn, trong đó 6 viên có thể gây tử vong.

Vụ án Bachmeier ngay lập tức chiếm lĩnh vị trí trang bìa các số báo. Để có tiền trả luật sư, Bachmeier bán độc quyền câu chuyện cuộc đời mình cho tạp chí "Ngôi sao" (Stern), kể tỉ mỉ cuộc đời và hành động báo thù của mình. Câu chuyện của bà gây xúc động trong dư luận và mọi người tỏ ra thông cảm sâu sắc. Rất nhiều người viết thư động viên và gửi tiền quyên góp với tổng số tiền lên tới 100.000 mark.

Tháng 11/1982, phiên tòa xét xử Bachmeier được mở. Luật sư của Bachmeier lập luận rằng, ngành tư pháp cũng có phần trách nhiệm trong cái chết của Anna và những viên đạn nhằm vào Grabowski. Y có tiền án về xâm hại tình dục trẻ em và bị đưa vào trại tâm thần. Nhằm thoát khỏi trại tâm thần, y tự nguyện chịu "thiến", nhưng sau này lại điều trị bằng hormon với sự cho phép của tòa án. Luật sư Uwe Maeffert nhấn mạnh: "Như vậy, dưới con mắt của pháp luật, y có thể đã khôi phục lại sự ham muốn tình dục".

Một số người lý giải hành động của Bachmeier, ngoài việc mất con cũng còn do tiểu sử của bà. Bachmeier lớn lên trong một môi trường tín ngưỡng nghiêm khắc và ông bố gia trưởng, không phù hợp với tính cách vui vẻ, yêu đời của bà. Khi mới 16 tuổi, Bachmeier có đứa con gái đầu tiên và khi 18 tuổi có đưa con thứ 2. Cả hai đứa trẻ đều được Bachmeier cho đi làm con nuôi, chỉ đứa con thứ 3 là Anna mới giữ lại nuôi.

Tại phiên tòa, các luật sư nói rằng, Bachmeier không lên kế hoạch báo thù từ trước và tòa án chấp nhận lập luận này và coi đó là tình tiết giảm nhẹ nên chỉ tuyên phạt Marianne Bachmeier 6 năm tù giam. Khi Bachmeier vào tù thụ án có phóng viên truyền hình đi theo và chỉ ba năm sau, Bachmeier đã được trả lại tự do.

Sau đó, trước tiên Marianne Bachmeier đi sang châu Phi, rồi tới Sicily, Italy và làm việc trong một bệnh viện ở đó. Khi biết mình mắc bệnh ung thư, Bachmeier quay về Đức và qua đời năm 1996, khi mới 46 tuổi.

Sau khi vụ việc xảy ra, vụ án Bachmeier hai lần được dựng thành phim. Bản thân Marianne Bachmeier trước khi chết cũng đóng một vai chính ghê rợn. Theo nguyện vọng của Bachmeier, nhà làm phim Lukas Maria Boehmer được quay phim bà trong những tháng cuối đời cho tới khi bà chết. Trong quãng đời còn lại, không bao giờ Marianne Bachmeier tỏ ra hối hận về vụ báo thù của mình.

  • Theo baotintuc