Phông chữ

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đánh dấu một bước ngoặt trong chính trường Đức. Nhiều nguyên tắc lâu đời của nước này đã bị đảo ngược.


Foto: Chú thích ảnh Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: DW


 

Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 28/2, xung đột lại nổ ra ở châu Âu và điều này khiến nhiều người ở Đức bất ngờ, ngạc nhiên. Với việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, các đảng trong liên minh cầm quyền tại Đức đã quyết định thay đổi một số chính sách quan trọng.

Xuất khẩu vũ khí đến các khu vực khủng hoảng

Xuất khẩu vũ khí của Đức tới các khu vực xung đột từ lâu đã là một điều rất hạn chế, đặc biệt là đối với Đảng Xanh, đảng lớn thứ hai trong chính phủ liên minh mới hiện nay. Đảng Xanh có nguồn gốc từ các phong trào hòa bình những năm 1980.

Đảng này đã ủng hộ các sứ mệnh hòa bình của quân đội Đức (Bundeswehr), nhưng luôn hạn chế ủng hộ chính sách xuất khẩu vũ khí. Giờ đây, trước sức ép lớn của dư luận và những cam kết tương tự từ các quốc gia khác, Đức sẽ chuyển giao vũ khí cho Ukraine, gồm 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa phòng không.

Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock (đảng Xanh) phát biểu trước Quốc hội Đức rằng, bất chấp tất cả các biện pháp ràng buộc trong chính sách xuất khẩu vũ khí, Ukraine "cần được tự vệ và cần phải ngăn chặn thương vong, tổn thất đối với nước này".

Trong thỏa thuận liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), các bên đã nhất trí về chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí, không cho phép vận chuyển vũ khí tới các khu vực khủng hoảng và họ đã giữ vững lập trường này trong vài tuần gần đây. Thỏa thuận liên minh cũng nêu rõ rằng "các trường hợp ngoại lệ chỉ có thể được thực hiện trong bối cảnh cụ thể và phải được lập thành văn bản một cách công khai minh bạch".

Giải thích về sự thay đổi trên, bà Baerbock nêu rõ: "Chỉ vài tuần trước, tôi đã đứng ở đây và nói về chủ đề chuyển giao vũ khí rằng, một quyết định đảo ngược 180 độ trong chính sách đối ngoại phải được thực hiện đúng khoảnh khắc và được đánh giá đầy đủ. Bây giờ là thời điểm để làm như vậy".

Hiện đại hóa quân đội

Trong nhiều thập kỷ, với lịch sử của nước này là một "kẻ xâm lược" trong Thế chiến II, bất kỳ ai ở Đức ủng hộ việc tăng cường tiềm lực quốc phòng đều bị coi là "diều hâu". Nhưng giờ đây, quân đội Đức có thể sẽ phải nâng cấp quy mô lớn. Các lực lượng vũ trang Đức sẽ được hiện đại hóa với một ngân sách đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (1,2 tỷ USD).

Các nhà chiến lược quân sự Đức hiện đang thảo luận về những lĩnh vực cần nâng cấp. Ví dụ, họ đang xem xét việc phát triển xe tăng và máy bay chiến đấu mới cùng với các đối tác châu Âu, đặc biệt là Pháp.
Chú thích ảnh Binh sĩ Đức trong một cuộc tập trận của NATO. Ảnh: Local

Một điều dường như chắc chắn: Đức sẽ có một sự thay đổi đối với các nhiệm vụ quốc tế. 20 năm trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức lúc bấy giờ là Peter Struck (SPD) đã có câu nói nổi tiếng: "An ninh của Đức cũng đang được bảo vệ tại Trung Đông. Đó là sự khởi đầu của sứ mệnh Afghanistan của Đức. Trong những năm sau đó, quân đội Đức mở rộng dần khu vực hoạt ngày càng xa lãnh thổ của mình, vì cho rằng ở xung quanh Đức vẫn an toàn.

Theo báo Deutsche Welle, hiện nay, sứ mệnh Afghanistan đã kết thúc, sứ mệnh tại Mali - bắt đầu từ năm 2013 - cũng đang đến giai đoạn cuối, trong khi lãnh thổ NATO dường như đang bị đe dọa ngay lập tức và có thể là ngay cả chính nước Đức. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi vấn đề bảo vệ tổ quốc, mục đích đầu tiên của quân đội Đức, sẽ trở lại thành vấn đề trọng tâm.

Do đó, việc cung cấp 100 tỷ euro cho các lực lượng vũ trang Đức chỉ là một bước đi đầu tiên. Trong nhiều năm, NATO và Mỹ đã hối thúc Berlin tăng chi tiêu quốc phòng. Các nước NATO đã đặt mục tiêu dành 2% GDP cho quốc phòng. Từ lâu, Đức đã chi tiêu thấp hơn và chỉ gần đây đã tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 1,5% GDP.

Đặc biệt, SPD, đảng Xanh và đảng Cộng sản Đức luôn bác bỏ mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng. Nhưng giờ đây, Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố rằng Đức thậm chí sẽ chi vượt qua con số này.

Điều chỉnh chính sách năng lượng

Đức phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga: Nga chiếm hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Đức và hơn 40% lượng dầu nhập khẩu của nước này. Nguồn cung này khó có thể được thay thế một cách nhanh chóng.

Nhằm giải quyết vấn đề, chính phủ Đức hiện muốn phát triển đáng kể năng lượng tái tạo, đồng thời có kế hoạch loại bỏ dần sản xuất nhiệt điện than và điện hạt nhân. Điện hydro là một lựa chọn đang được Đức phát triển, nhưng chưa đến mức có thể mang lại sản lượng điện quy mô lớn. Tuy nhiên, chỉ có các nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới có thể lấp đầy khoảng trống năng lượng khi không có gió và vào ban đêm (không có năng lượng mặt trời). Để khắc phục điều này, các nhà chứa khí đốt hóa lỏng của Mỹ sẽ được xây dựng.

Chính phủ Đức cũng đang tính đến việc gia hạn thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân và một số nhà máy nhiệt điện than. Điều này gây khó khăn đặc biệt đối với đảng Xanh, bởi vì họ muốn loại bỏ năng lượng hạt nhân và than đá càng sớm càng tốt. Nhưng Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck (thuộc đảng Xanh) tuyên bố: "Không có điều gì cấm kỵ, mọi thứ đang được thảo luận".

Chính sách tị nạn

Chính sách nhân đạo dường như là sẽ ít thay đổi ở Đức. Từ năm 2015 đến nay, Đức đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người tị nạn từ cuộc nội chiến ở Syria, mặc dù các chính sách của nước này cũng tạo ra rất nhiều phản đối cả trong và ngoài nước. Giờ đây, tất cả dường như được củng cố thêm khi đối mặt với dòng người tị nạn từ Ukraine.

Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser (SPD) đã đồng ý với những người đồng cấp của mình trên khắp EU rằng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận người tị nạn Ukraine. "Người tị nạn từ Ukraine không phải làm thủ tục tị nạn. Họ sẽ nhận được sự bảo vệ ở EU trong tối đa ba năm", Faeser thông báo.

Công Thuận/Báo Tin tức