Phông chữ

Tổng cộng 2 người Đức, và 9 người Việt, từ 21 đến 50 tuổi, trong đó có 2 phụ nữ, bị đưa ra truy tố trước Toà án Berlin Landgericht từ đầu tháng trước, với cáo buộc, can tội từ tháng 11.2008 tới tháng 2.2009, đưa 40 người Việt nhập cảnh bất hợp pháp qua Đức vào các nước châu Âu, thu tới 25.000 Euro/người.

Tham gia tố tụng, có tới 16 luật sư bào chữa, nhiều phiên dịch, và người tham dự chật cả phòng xử án lớn ở Moabit. Đây được coi là vụ án đưa người lớn nhất từ trước tới nay, dự kiến tuyên án vào tháng cuối năm, qua 15 phiên xét xử.

Đầu tháng 2.2010, Đức đã huy động một lực lượng đông tới 250 cảnh sát để phá đường dây này, từ tờ mờ sáng, bao vây ngôi nhà 18 tầng nằm trên đường Alt-Friedrichsfelde, Berlin. Trước đó, đội điều tra mang tên “Schleuser” phối hợp giữa cảnh sát Liên bang và cảnh sát Tiểu bang Berlin, 6 tháng liền cất công bí mật điều tra ngôi nhà này, tập hợp chứng cứ nghi vấn, thống kê danh sách người sinh sống trong khu nhà, chụp ảnh lén khách vào ra, gắn rệp vào các ô tô đỗ chung quanh, nghe lén điện thoại các số trong ngôi nhà. Cuối cùng họ kết luận, đây là một đại bản doanh của đường dây.

Theo cáo trạng, cầm đầu đường dây là một người Việt, 50 tuổi, sống tại Berlin. Một người Việt khác trẻ nhất nhóm có trách nhiệm điều phối dẫn dắt. Các bị cáo còn lại hoặc lo thuê phương tiện chuyên chở, hoặc nhà ở, hoặc lo ăn uống, hoặc tìm giúp chỗ làm việc. Những người Việt nhập cảnh lậu, đều hy vọng sẽ tìm được điều kiện sống và làm việc tốt ở các nước châu Âu, kiếm tiền nhanh chóng. Họ phải bán hết gia tài nhà cửa hoặc vay mượn. Đường dây đưa người bảo đảm cho họ tới nước họ muốn. Berlin là nơi trung chuyển của đường dây.  Tại đây, họ sử dụng giấy tờ giả, tá túc nơi bạn bè hoặc người nhà của họ, và như vậy không còn được bảo vệ về mặt pháp luật lẫn sức khoẻ, luôn lo sợ bị cảnh sát phát hiện. Trên giấy tờ, họ không còn tồn tại. Một số người được sử dụng vào mục đích bán thuốc lá lậu. Đích tới thường là Anh, tại đó họ tham gia trồng á phiện. Trước đó, họ được chuyển đến Nga, hoặc Tiệp theo đường hàng không. Từ đó, ô tô chở họ qua biên giới Đức vào Berlin, rồi tiếp tục sang Pháp. Tại Pháp các gia đình người Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ả Rập tiếp nhận và tổ chức chặng cuối nhập cảnh vào Anh.

Tại phiên mở đầu, Viện kiểm sát chật vật gần một tiếng đồng hồ mới đọc xong bản cáo trạng. Bởi trong đó phải nêu tên tuổi, nơi sinh, quê quán xã huyện tỉnh của gần 100 người Việt có liên quan, phát âm cực kỳ khó khăn, do không phân biệt nổi các dấu huyền sắc nặng ngã hỏi, tên cứ lớ lớ nhau.

Báo chí Đức bình luận, vấn nạn đưa người gắn liền với một thế giới tồn tại giữa quốc gia tốt và quốc gia xấu, tạo ra cách nhìn khác nhau. Một mặt, đưa người từ các nước phương Đông được cho là cứu họ thoát khỏi chế độ bất công. Mặt khác, những người đó lại được cho là phạm tội hình sự nặng chống lại nhà nước công nông của họ để kiếm tiền. Còn ở Đức, ai đưa người nước ngoài không giấy phép từ điểm A đến B được coi là buôn người, vi phạm luật lưu trú Đức (đây cũng là điều ít người Việt sống ở Đức hiểu; nhiều người vướng lao lý, mất cả giấy phép lưu trú, chỉ vì vô tình cho đồng hương không giấy tờ đi nhờ xe).