Phông chữ
Đó là kết luận của chánh án Toà án Ellwanger Landesgericht, ông Gerhard Ilg, khi luận tội tại phiên tuyên án tháng trước, trong vụ xét xử một người đàn ông Việt, tên là N, 52 tuổi, sống ở Neresheim-Elchingen, can tội trồng và buôn bán á phiện khối lượng lớn. Ông N sang Đức năm 1990, đệ đơn tỵ nạn tại Berlin, sau đó được phân bổ về trại tỵ nạn ở Wasseralfingen.

Sau khi được cấp giấy phép lưu trú, ông mở một Imbiss ở Aalen, rồi mở tiếp nhà hàng tại Bopfingen vào năm 2005. Kinh doanh không phát đạt, năm 2007, ông lại chuyển chỗ ở tiếp, tới Elchingen, với dự định vạch sẵn, trồng á phiện. Tại đó, được 2 người Việt ở Hà Lan tới hợp tác, ông cho cải tạo ngôi nhà 3 tầng ông thuê, nằm ở lối ra ngoại ô tĩnh mịch, thành trại trồng thuốc phiện ở 2 tầng trên, tầng trệt mở nhà hàng mang tên Asia Garden để nguỵ trang, mặc dù biết rõ chẳng mấy khách vào nơi vắng vẻ này, càng làm cho nhà chức trách để ý.

Đầu năm 2008, trại Elchingen khởi công vận hành, được một người Hà Lan cung cấp con giống, chỉ cần chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Người Hà Lan này cảnh sát không còn lạ, có lẽ vì thế mà các vụ trồng á phiện không chóng thì chầy bị phát hiện. Từ năm 2008 đến lúc bị bắt tháng 2.2010, ông N thu hoạch tổng cộng 5 vụ, mỗi vụ từ 9 đến 11 kg á phiện. Người Hà Lan nhận bao tiêu sản phẩm và tiếp tục cung cấp con giống cho những vụ trồng kế tiếp. Ông N khai mỗi tháng thu nhập bình quân chừng 5.000 Euro, tính đến thời điểm bị bắt, kiếm được 134.000 Euro.

Lời khai xác thực hay không, không thể giám định, nhưng khi cảnh sát lục soát nhà ở, họ tìm thấy điện thoại di động với thẻ mang sim Hà Lan, tra vấn ông, thì ông bảo không dùng đến, trong khi mọi cuộc ông điện đàm đã bị cảnh sát nghe lén lưu trữ chờ ngày bắt ông mà ông không hề hay biết, tưởng cứ dùng sim tự do thì không thể theo dõi. Vợ ông N, 37 tuổi, cùng con riêng bị cảnh sát gọi thẩm vấn đều trả lời không hề liên quan. Lý giải trước toà về động cơ trồng á phiện, ông giải thích kinh doanh lỗ lã, không còn biết cách gì khác để nuôi 5 nhân khẩu gia đình ông, gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con đủ sống; xin hưởng Hartz IV, nghĩ phải ăn bám nhà nước, thì ông không muốn !? Ông cũng biết trồng á phiện bị cấm.

Một số đối tượng Việt Nam trồng á phiện khi bị bắt, khai không biết đó là á phiện cứ tưởng cây cảnh vì rất đẹp, ông N lại khác, cho rằng nó đâu có độc hại làm người nghiện chết như thuốc phiện. Nó chỉ giả thuốc phiện thôi. Chán án tưởng bị cáo nói thật, liền giải thích, á phiện hiện được sử dụng nhiều nhất ở lứa tuổi 14. Và một khi đã dính vào thì kết cục không tránh khỏi là nghiện nặng hơn, phải dùng đến thuốc phiện. Nghiện tới tuổi 16, thì cơ thể chỉ còn rặt rẹo, mất hết mọi tương lai. Rồi chánh án khẳng định, ma tuý sẽ huỷ hoại tương lai nước Đức, vì vậy không thể để những người buôn bán á phiện như bị cáo ở lại Đức. Với mức án 3 năm tù, người nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép thường trú và trên 4 năm thì mất hết mọi cơ hội cứu xét đặc biệt. Lập luận của chánh án đã giải thích cho hình phạt đưa ra sau đó đối với ông N.

Lúc cảnh sát ập tới bao vây lục soát trại vào ngày 3.2.2010, họ đếm được tổng cộng 461 cây á phiện đang tươi tốt chuẩn bị thu hoạch. Cảnh khám xét được quay phim tại chỗ và trình chiếu trước toà cho thấy công nghệ ông N sử dụng trồng á phiện mang tính chuyên nghiệp hiện đại tối tân. Tất cả các công đoạn từ chiếu sáng, thông khí, khử mùi, tưới tiêu, thu hoạch đều theo quy trình, quy phạm chặt chẽ, gần như tự động. Á phiện mơn mởn, tươi tốt, cứ thế lớn nhanh như thổi, nở hoa sáng loáng, nhìn thật mát mắt, hứa hẹn bội thu. Cùng lúc 2 người Việt Nam khác trong đường dây ông N bị bắt, 1 giam tại Münster và 1 tại Berlin.

Kết thúc xét xử, ông N bị tuyên phạt 4 năm, 3 tháng tù giam, được Chánh án lý giải, lẽ ra mức án có thể giảm, nhưng bị cáo đã không thể khai báo kẻ cầm đường dây do sợ hãi bị trả thù. Đường dây đó, theo chánh án, hiện nay đã đan khắp nước Đức, được trang bị công nghệ hoàn hảo, và hầu hết do người Việt điều hành, với đầu não nằm ở Hà Lan.