Phông chữ

Cảnh sát Liên bang Đức đang muốn mở rộng đơn vị chống khủng bố GSG 9 và thành lập một đội đặc nhiệm ở Berlin. Động thái này nhằm ứng phó với những mối đe dọa không ngừng gia tăng ở Thủ đô nước Đức.


Foto: Đơn vị chống khủng bố GSG9 ước tính hiện có khoảng 400 thành viên


Phát biểu với Đài Truyền hình Berlin RBB ngày 15-1, ông Jérome Fuchs - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm đặc biệt tinh nhuệ GSG 9 của Đức cho biết, đơn vị quyết định tuyển thêm nhân lực do các mối đe dọa khủng bố đang gia tăng ở Đức, nhất là ở Thủ đô Berlin, khi xảy ra cuộc tấn công khủng bố lớn đầu tiên hồi tháng 12-2016.
Khi đó, đối tượng Anis Amri người Tunisia đã lái một chiếc xe tải vào khu chợ Giáng sinh đông đúc, cướp đi sinh mạng của 12 người. “Nếu so sánh những tình huống khủng bố trên khắp châu Âu, có thể nhận ra điểm chung là các Thủ đô thường xuyên trở thành mục tiêu. Điều cần thiết hiện nay là chúng ta phải ở tư thế sẵn sàng, chuẩn bị tốt hơn. Mục đích của chúng tôi rất rõ ràng: GSG 9 cần có khả năng phản ứng nhanh hơn ở Thủ đô”, ông Jérome Fuchs nói.

Tăng cường năng lực chống khủng bố cho Thủ đô Berlin

GSG 9 (viết tắt của Grenzschutzgruppe 9, nghĩa là “Nhóm biên phòng”) có căn cứ đóng tại Sankt Augustin, gần thành phố Bonn, nơi nó ra đời năm 1972. Đơn vị được thành lập sau vụ bắt cóc và giết hại các vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich năm đó, khi phản ứng của cảnh sát đã bị chỉ trích rất nhiều. Hiện GSG 9 được huy động trong các chiến dịch đặc biệt chống khủng bố và tội phạm có tổ chức ở cả trong và ngoài nước.

Rolf Tophoven, chuyên gia chống khủng bố từng viết cuốn sách đầu tiên về GSG 9 năm 1977 cho biết, việc triển khai lực lượng đến Berlin của đơn vị thường bị chậm. “Vì thế, sự hiện diện của một đơn vị chống khủng bố tại Thủ đô là rất quan trọng”, ông Rolf Tophoven nói. Theo các lực lượng an ninh Đức, tình hình khủng bố đã không bớt đi nguy hiểm, cho dù lực lượng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị đánh bại, mà ngược lại, nó có thể trở nên nguy hiểm hơn, đó là chưa kể những thủ lĩnh băng đảng tội phạm sừng sỏ trú tại Berlin.

Chuyên gia Tophoven ước tính rằng GSG 9 sẽ tuyển mộ thêm để có thể triển khai hơn 100 nhân viên mới ở Berlin. Trong năm ngoái, Cảnh sát Liên bang Đức đã thành lập các đơn vị ứng trực trên toàn quốc giữ vai trò lực lượng phản ứng đầu tiên mỗi khi xảy ra tấn công khủng bố, trong khi GSG 9 tham gia các chiến dịch lớn.

Không dễ tuyển tân binh

“Các thành viên GSG 9 chuyên hành động giải cứu con tin và hay bắt giữ tội phạm nghiêm trọng”, chuyên gia Tophoven tiết lộ. Chương trình huấn luyện ngặt nghèo cùng vũ khí hiện đại giúp đơn vị này thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả. Họ “giống như một lực lượng bán quân sự, cho dù không nhân viên cảnh sát nào thích nghe điều đó”.

Họ cũng hợp tác với lực lượng đặc nhiệm của quân đội Anh SAS hay các nước khác ở châu Âu. Theo ông Jérome Fuchs, kể từ khi thành lập đến nay, GSG 9 đã thực hiện hơn 1.900 chiến dịch lớn, trung bình 50 vụ một năm. Có lẽ chiến dịch nổi tiếng nhất của GSG 9 là giải phóng hơn 80 con tin trên một máy bay chở khách của Hãng Lufthansa bị nhóm khủng bố Palestine PFLP khống chế năm 1977.

Chỉ huy GSG 9 Jérome Fuchs cho hay, việc tuyển được người xứng đáng dự báo sẽ khó khăn bởi tiêu chuẩn rất cao, trong đó, sức khỏe, sức bền và khả năng làm việc theo nhóm là những phẩm chất đặc biệt mà ông đánh giá cao nhất. Theo đó, ứng viên phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết về thể chất như: chạy 5km dưới 23 phút, chạy nước rút 100m không quá 13,4 giây và đẩy được tạ có trọng lượng ít nhất bằng 75% trọng lượng cơ thể mình.

Chỉ huy Jérome Fuchs cũng nói rằng, ứng viên cũng phải từng được đào tạo sĩ quan cảnh sát, lý tưởng nhất là đã có kinh nghiệm thực tế. “Tôi nghĩ rằng khó khăn lớn nhất là tìm được đúng người”, ông Tophoven nói. “Quá trình lựa chọn rất ngặt nghèo và rất chính xác và đương nhiên không có chuyện giảm tiêu chuẩn”.

ANTD