Vừa qua, tờ Suddeutsche Zeitung, nhật báo có lượng độc giả đặt mua dài hạn lớn nhất ở Đức, đã công bố báo cáo kết quả của nhóm phóng viên chuyên nhiệm sau 2 năm dày công điều tra, cho thấy việc do thám và nghe trộm có hệ thống của người Mỹ trên lãnh thổ CHLB Đức đã diễn ra từ lâu.
B ản báo cáo có tựa đề "Secret War" (Cuộc chiến bí mật) nêu câu hỏi ngay ở dòng đầu: "Phải chăng các cơ quan mật vụ Mỹ có đặc quyền hoạt động ở ngoại quốc?", cùng câu trả lời rằng đó là điều "mặc nhiên"! Đặc biệt là trên đất Đức, tuy Chiến tranh lạnh đã chấm dứt từ lâu, nhưng tại đây vẫn thường xuyên đồn trú tới 43.000 quân nhân Mỹ, hiện diện trong mạng lưới căn cứ quân sự kiên cố sẵn có.
Do vậy chẳng có gì lạ khi các tổ chức mật vụ Mỹ hàng đầu như Cục Tình báo trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Bộ An ninh nội địa (DHS)... mặc sức tận dụng lợi thế của các căn cứ này để tiến hành những hoạt động của mình.
Ngoài chức năng do thám ra, các căn cứ quân sự khổng lồ như ở Ramstein là Tổng hành dinh của lực lượng Không quân Mỹ đóng trên địa bàn châu Âu (USAFE), hay tại Stuttgart còn là những trung tâm điều khiển các phi vụ oanh kích của máy bay không người lái ở Trung Đông và châu Phi.
"Cần nhấn mạnh rằng, đa phần vị trí các căn cứ quân sự Mỹ đều bị "xóa trắng" khỏi công cụ tìm kiếm bản đồ Google Maps, đáp ứng yêu cầu bảo mật của những cơ sở tối quan trọng này", báo cáo điều tra cho biết.
Một địa chỉ "đáng gờm" khác là tòa nhà Đại sứ quán Mỹ khai trương vào đầu tháng 5/2008, tọa lạc ngay trên Quảng trường Pariser Platz, giữa trung tâm thủ đô Berlin, với những thiết bị do thám hiện đại hoàn toàn có thể "khống chế" mọi thông tin trao đổi của chính quyền trung ương Đức.
"Không chỉ NSA mới nghe trộm điện thoại của nữ Thủ tướng Angela Merkel, mà có tới 5 cơ quan tình báo khác nhau, trong đó cả tình báo của Anh và Israel thường xuyên tiến hành do thám người đứng đầu Chính phủ Đức", bản báo cáo điều tra cho biết thêm.
Trạm quan sát của NSA trên đồi Teufelsberg ở ngoại ô Berlin tồn tại nhờ hợp đồng bí mật với phía Đức.Khi được các phóng viên gặng hỏi vì sao người Mỹ lại được tự do hoạt động trên đất Đức như ở chỗ không người, vi phạm chủ quyền của một quốc gia độc lập? Những người có trách nhiệm liền viện dẫn tư cách thành viên Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) của CHLB Đức, rằng phải "kề vai sát cánh" với các đồng minh NATO do Mỹ đứng đầu, bảo đảm sự "thống nhất hành động" trong toàn khối(?!).
Còn nhà sử học gạo cội Josef Foschepoth lên tiếng khẳng định, rằng một số thỏa thuận bí mật giữa Đức và Mỹ trong thập niên 50 thế kỷ trước vẫn còn hiệu lực. Ngay sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 trên đất Mỹ, nhiều giao kèo bí mật mới đã được ký kết giữa Washington và Berlin.
Ngoài ra, nhóm ký giả điều tra gồm 20 người do phóng viên kỳ cựu John Goetz phụ trách, đã đi sâu tìm hiểu vai trò của phía Đức trong việc trợ giúp quân đội Mỹ nói chung, cũng như giới tình báo từ bên kia bờ đại dương nói riêng. Qua đó cho thấy sự hợp tác khăng khít đã khiến mật vụ Mỹ được hưởng những đặc quyền ví như họ có thể kiểm soát sự vận chuyển hàng hóa ở tất cả các hải cảng của Đức, thậm chí có quyền can thiệp để một chiếc container nào đó được nhập vào hay xuất ra khỏi đất Đức.
Đồng thời các phóng viên của Suddeutsche Zeitung còn khám phá ra hơn 200 giấy phép đặc biệt, là những văn bản tuyệt mật do giới chức Đức ban hành giúp các công ty được Chính phủ Mỹ ủy quyền thực hiện những hoạt động "nhạy cảm" trên đất Đức. Chính các công ty này đã sử dụng những phần mềm gián điệp, kết hợp với mạng lưới do thám từ vệ tinh để theo dõi những mục tiêu nhất định, cũng như lập hồ sơ về hành vi của các cá nhân bị tình nghi trên lãnh thổ Đức.
Tiêu biểu là trường hợp của một công dân Estonia đi nghỉ tại Đức trong mùa hè vừa qua. Khi vừa đặt chân xuống sân bay Frankfurt, ông này đã bị cảnh sát biên phòng ngăn cản không cho nhập cảnh vào Đức, không phải do lệnh truy nã quốc tế mà đơn giản là từ đề nghị của phía Mỹ(!). Vụ này là một trong những bằng chứng về sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 cơ quan mật vụ Đức và Mỹ.
"Điều trớ trêu là Chính phủ Đức thừa biết các hoạt động nêu trên ngay từ nhiều thập niên trước, qua các thỏa thuận giao ước bí mật cùng những cam kết bảo đảm cho sự do thám của người Mỹ, nhưng cố tình bưng bít thông tin không thông báo cho Quốc hội. Vậy mà trong thời gian gần đây giới chính khách Đức hàng đầu lại làm ra vẻ "rất đỗi ngạc nhiên", đứng về phía công luận nhằm lên án các hoạt động phi pháp của Washington, trong khi giới mật vụ Mỹ cứ điềm nhiên "bỏ ngoài tai" mọi điều chỉ trích", bản báo cáo "Secret War" của nhóm phóng viên Suddeutsche Zeitung kết luận
Kim Dung (CAND theo Secret Services)
Cuộc chiến bí mật của Mỹ trên đất Đức
Tiện ích
Phông chữ
- Font Size
- Default
- Chế độ đọc