Phông chữ
Trong một chuyến công tác tại Đức, tôi được Bộ Ngoại giao nước này tạo điều kiện để tiếp cận với những cơ sở của Cơ quan An ninh Quốc gia Cộng hoà Dân chủ Đức Stasi, trong đó có kho lưu trữ hồ sơ mật ở Bản doanh Stasi ở Berlin.

Nơi tổng thống Putin từng làm việc

Leipzig là thành phố nơi phát sinh những cuộc biểu tình đầu tiên mà sau đó phát triển thành những sự kiện đã dẫn tới sự sụp đổ của nước CHDC Đức năm 1990.

Trụ sở của cơ quan Stasi Leipzig giờ trở thành như một kiểu bảo tàng. Nó được giữ gần như nguyên so với thời có hai nước Đức. Bàn làm việc. Chiếc máy điện toán kiểu cổ lỗ lưu trữ dữ liệu.

Ở dọc một số bức tường còn những bao cát mà các nhân viên Stasi trong những ngày cuối cùng đã xếp thành một kiểu công sự phòng thủ nhẹ để đề phòng những người chống đối tấn công trụ sở.

Tôi chú ý đặc biệt đến một số cục xơ giấy lớn màu nâu. Các nhân viên trông coi giải thích đó là phần còn lại của những tài liệu mà các nhân viên Stasi đã kịp huỷ trước trong những ngày bi kịch hồi năm 1990 đó.

Do tính chất đặc biệt của các tài liệu, người ta phải huỷ nó ở mức không thể nào khôi phục lại được. Tài liệu được đưa vào máy nghiền, sau đó trộn keo, khi đông kết, đám bột giấy trộn keo tạo thành những cục xơ giấy như bây giờ.
Tại trụ sở Stasi Leipzig, tôi được người ta kể cho nghe câu chuyện liên quan đến Vladimir Putin. Chuyện rằng, hồi đó có hai sĩ quan KGB đến làm việc ở đây một thời gian. Một người thì lắm lời, miệng nói không ngớt. Còn một người thì lặng lẽ.

Năm tháng trôi đi. Khi nước Nga công bố Tổng thống kế nhiệm Boris Eltsin thì những người cũ ở Leipzig giật mình khi thấy người lãnh đạo thượng đỉnh mới của nước Nga chính là viên sĩ quan KGB ít lời ngày nào.

Nguyên tắc bốn mắt

Nhưng đại bản doanh Stasi tại Berlin mới thực sự ấn tượng. Hiện nay, nó đã được biến thành một nhà bảo tàng.

Tôi và một phiên dịch được dẫn vào kho lưu trữ những hồ sơ đặc biệt của Stasi. Trước khi vào, những nguyên tắc được quán triệt. Đương nhiên là không giở xem, không sờ, không chụp ảnh.
Ấn tượng nhất là nguyên tắc bốn mắt. Tức là có ít nhất bốn mắt của các nhân viên trông coi trong mỗi trường hợp có vị khách nào được phép bước qua cánh cửa đặc biệt dẫn vào kho hồ sơ đặc biệt này. Nghĩa là mỗi vị khách như thế phải có ít nhất hai nhân viên dẫn.

Đây là biện pháp đề phòng cao độ. Tôi đoán chắc hệ thống camera theo dõi của kho tư liệu quốc gia đặc biệt này phải cực kỳ hiện đại và khó có khe hở.

Những dãy kệ tít tắp chất đầy hồ sơ, báo cáo được phân loại đương nhiên là một cách khoa học ở cấp độ người Đức. Tôi không còn nhớ con số cây số nếu nối tất cả các giá để tài liệu này tạo thành, nhưng biết rằng Stasi vang danh thế giới là một trong những cơ quan an ninh làm việc hiệu quả nhất.

Hệ thống an ninh được xây dựng đến mức mà một quốc gia gần 20 triệu người đã có khoảng gần một triệu người thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan an ninh.

Trong suốt chuyến thám hiểm ngắn ngủi trong thế giới tuyệt mật đó, tôi và người phiên dịch cũng như những tài liệu trong tầm có thể tác động của chúng tôi luôn nằm trong tầm nhìn chăm chú của  bốn mắt.

Sau này, qua các tư liệu nước ngoài, tôi được biết, thoạt đầu việc tiếp cận các tài liệu lưu trữ bình thường ở các kho của Stasi dễ dàng hơn nhiều. Thậm chí, giai đoạn 1990 - 1993, người ta còn cho hàng triệu người, chủ yếu là công dân CHDC Đức đến xem, thậm chí sao hồ sơ lưu trữ về mình.

Báo chí cũng được phép tiếp cận nếu hồ sơ đó không liên quan đến những công dân tuổi dưới 18 hoặc là nhân viên cũ của Stasi (đề phòng sự trả thù).

Mặc dù kho tư liệu Stasi được bảo vệ cẩn mật, nhưng đầu tháng 3 vừa qua, tôi kinh ngạc khi nghe tin người ta vừa phát hiện ra hàng trăm ngàn trang hồ sơ mật của Stasi trước đây nay bỗng nhiên bị xé như xé giấy vụn rồi lại cho vào từng bao giấy loại nhỏ rồi sau đó gộp lại đựng trong những chiếc bao tải cất vào kho như cũ.

Người được quan tâm nhất: Thủ tướng Helmut Kohl

Lần ở đại bản doanh Stasi ở Berlin đó, sau khi tham quan kho hồ sơ mật, tôi được vị phó giám đốc của cơ quan được thành lập ra để quản lý, trông coi kho tư liệu có thể nói là nhạy cảm nhất nước Đức tiếp và trả lời một số câu hỏi.

Cơ quan này có tên gọi là Văn phòng Cao uỷ Liên bang bảo quản hồ sơ của Bộ An ninh nước CHDC Đức (viết tắt là BStU), thành lập tháng 10-1990, vài tháng sau khi thống nhất nước Đức.

Thời điểm tôi đến thăm (2006), người đứng đầu cơ quan đặc biệt này là một phụ nữ. Bà được hưởng một quy chế đặc biệt là chỉ tuân theo pháp luật mà không phải tuân lệnh bất kỳ ai. Thậm chí thủ tướng cũng không có quyền ra lệnh đối với bà.

Phải đặt ra một quy chế đặc biệt như thế vì tính chất nhạy cảm của nhiều tài liệu lưu trữ. Vị phó giám đốc nói rằng nếu công bố toàn bộ kho tư liệu này thì nước Đức sẽ nổ ra nội chiến, bởi những mối hận thù cũ và mới sẽ bùng lên.
“Ai là người bị theo dõi có hồ sơ dày nhất ở đây?”, câu trả lời của vị đại diện Đức làm tôi ngạc nhiên: “Thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl. Hồ sơ về ông này dày đến hơn 5 tập”.

Helmut Josef Michael Kohl (sinh ngày 3 tháng 4 năm 1930) là một chính khách và chính trị gia bảo thủ Đức. Ông là Thủ tướng Đức  từ năm 1982 đến năm 1998 (của Tây Đức từ năm 1982 đến năm 1990 và của nước Đức thống nhất từ năm 1990 đến năm 1998) và Chủ tịch của Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo  (CDU) từ năm 1973 đến năm 1998.

16 năm cầm quyền của ông là giai đoạn tại vị lâu nhất của một thủ tướng Đức từ thời Thủ tướng thép Otto von Bismarch và cũng là thời gian chấm dứt cuộc  cuộc Chiến tranh Lạnh và sự thống nhất nước Đức.

Kohl được đa số người coi là một trong những kiến trúc sư chính của quá trình thống nhất nước Đức, và, cùng với Tổng thống Pháp F. Mitterrrand đóng vai trò những kiến trúc sư chính tạo lập nên Liên minh Châu Âu.

Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đánh giá ông là “lãnh đạo vĩ đại nhất của châu Âu nửa sau thế kỷ 20”.

Nỗ lực khôi phục các tài liệu bị huỷ

Vị phó giám đốc BStU cho biết trong giai đoạn nước CHDC Đức sắp tan rã, cơ quan Stasi đã rất cố gắng huỷ các tài liệu của mình. Chỉ đạo thật quyết liệt, ngoài các máy huỷ tài liệu hoạt động hết công suất, các nhân viên cũng được huy động tối đa để huỷ bằng tay. Mỗi tài liệu được chỉ đạo xén thành ít nhất 8 mảnh, mỗi mảnh bỏ vào một bao đựng khác nhau.
Sau khi thống nhất nước Đức, chính quyền đã có một chương trình chi phí lớn (có tài liệu nói khoảng 30 triệu USD) để khôi phục các tài liệu bị huỷ. Trừ những tài liệu bị máy huỷ cắt nát hoặc thậm chí bị nghiền rồi trộn keo như đã tả ở trên, những tài liệu bị xé đều được cố gắng khôi phục bắt đầu từ năm 1995.

Trong vòng 13 năm sau đó, mấy chục người đã nhẫn nại tìm ghép từng mảnh tài liệu bị bỏ vào các bao khác nhau. Kết quả thật khiêm tốn: Chỉ xử lý được tổng cộng 327 bao tài liệu. Sau đó, người ta đã viết được một chương trình máy tính đặc biệt, tự động tìm và ghép các mảnh của cùng một tài liệu.

Giờ đây chỉ cần quét và lưu vào ổ dữ liệu của máy tính các mảnh tài liệu rồi chờ và kiểm tra kết quả. 16.000 bao mảnh vụn của ước chừng 45 triệu trang tài liệu đang được khôi phục bằng cách này.

Stasi là cơ quan an ninh CHDC Đức, một trong những cơ quan an ninh và tình báo danh tiếng nhất thế giới. Điệp vụ thành công nhất của Stasi là tuyển mộ được một phụ tá thân cận của Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt khiến ông này phải từ chức vào năm 1974.

Lê Xuân Sơn