Phông chữ

Hiệp ước an ninh này vốn đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố kết thúc hôm 2/8 vừa qua và sau đó, đến ngày 15/8, đại diện ngành an ninh Mỹ, Anh mới lên tiếng "lấy làm tiếc" nhưng vẫn tin rằng trong tương lai gần, bằng một hình thức nào đó, Đức, Anh và Mỹ cũng sẽ tái trao đổi tin tình báo với nhau vì mục đích chung là chống khủng bố toàn cầu.

Theo Đài Truyền hình BBC News, vào năm 1968, Chính phủ Đức đã ký với Mỹ và Anh một hiệp ước về tình báo (Spy pact), cụ thể là giới chức ba bên cùng các bộ ngành liên quan có bổn phận phải chia sẻ những tin tức tình báo quan trọng, nhất là trong lĩnh vực các tổ chức khủng bố quốc tế có âm mưu đánh bom tự sát hay tấn công vào quân đội, cảnh sát, dân thường và lãnh thổ của nhau cùng những tin có giá trị về buôn lậu vũ khí và vũ khí hạt nhân. Đây là một loại hiệp ước mở, trong giấy tờ ghi thời hạn lỏng lẻo là vào năm 1969 sau đó sẽ có những sửa đổi, bổ sung cần thiết căn cứ vào tình hình thực tế, nhưng không sửa cũng chẳng sao, và thực tế đã xảy ra là ba bên không chỉnh sửa bất kỳ một điều khoản nào.

Các chuyên gia cho rằng đây là loại hiệp ước tình báo biểu tượng rộng rãi (largely symbolic), lúc nào thích thì cứ vẫn tiếp tục, lúc nào không muốn thì cứ việc hủy, cứ việc cùng nhau ký vào điều khoản hủy bỏ hiệp ước.

Ngày 2/8/2013, người dân Đức trương ảnh cựu điệp viên CIA Edward Snowden cùng khẩu hiệu bài Mỹ, đòi chính phủ phải cứng rắn với Nhà Trắng.

Sau khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, Đức bị chia làm hai nước, CHDC Đức và CHLB Đức, với lý do trùm phát xít Adolf Hitler là người Tây Đức (Hitler đã cùng với Ý và Nhật lập nên phe Trục chống Đồng minh do Mỹ lãnh đạo) nên sau khi Hitler tự sát, phe Trục đầu hàng Đồng minh, thế giới nảy sinh cuộc Chiến tranh lạnh giữa các nước tư bản (đứng đầu là Mỹ) với các nước xã hội chủ nghĩa (đứng đầu là Liên Xô).

Trong bối cảnh Mỹ cùng Liên Xô và những đồng minh nỗ lực kéo thế giới xích lại gần nhau để thoát khỏi bóng ma Chiến tranh lạnh, thì việc Đức ký hiệp ước chia sẻ tin tình báo với Mỹ và Anh được xem là một bước tiến dài trong nỗ lực dần dần xóa tan bầu không khí hận thù, nghi kị lẫn nhau giữa hai phe - tức là từng bước kết thúc cuộc Chiến tranh lạnh vốn lâu nay đã làm thế giới ngạt thở.

Sau khi  NATO - Khối các nước Bắc Đại Tây Dương - được thành lập, vì cả Đức lẫn Mỹ và Anh cùng là thành viên NATO nên mối quan hệ tay ba trở nên khăng khít hơn, và cũng vì thế, hiệp ước chia sẻ an ninh giữa 3 quốc gia này cũng được thắt chặt một cách bền vững. Cho đến khi bùng nổ vụ cựu điệp viên CIA Edward Snowden từ nơi làm việc của mình là Hawaii trốn đến Hồng Kông ngày 23/6/2013 rồi tố cáo chương trình nghe lén của CIA được Nhà Trắng chuẩn thuận, nghe lén và xâm nhập mạng Internet để thu thập tin tức cả những người bạn lâu năm và khăng khít như Đức, Anh, Pháp và những nước bạn trong NATO.

Ngay sau đó, vào ngày 27/6/2013, cùng với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Merkel lên tiếng bày tỏ sự bức xúc, đề nghị Nhà Trắng hãy làm "sáng tỏ vấn đề". Sự căng thẳng bắt đầu.

Liệu Mỹ và Đức còn nồng ấm sau vụ Edward Snowden tiết lộ thông tin nghe lén đồng minh của Mỹ?

Liệu Mỹ và Đức còn nồng ấm sau vụ Edward Snowden tiết lộ thông tin nghe lén đồng minh của Mỹ?

Một điểm đặc biệt nữa trong hiệp ước chia sẻ tình báo, là không cấm cả ba nước đã ký (Đức, Mỹ, Anh) chia sẻ những tin tình báo của họ với những quốc gia nào vốn là đồng minh của từng nước, vì thế cho nên những nước trong NATO, trong Liên minh châu Âu (EU) đều được mỗi nước Đức, Mỹ, Anh chia sẻ thông tin tình báo về kế hoạch khủng bố của Al-Qaeda, những vụ buôn bán vũ khí bí mật hay kế hoạch buôn lậu ma túy của các băng đảng mafia quốc tế, ngay cả tin tình báo kinh tế cũng được họ chia sẻ.

Nhờ hiệp ước này mà trong hơn 4 thập niên qua, Mỹ, NATO và EU đã ngăn chặn thành công những vụ đánh bom tự sát hay tấn công binh sĩ hoặc công dân của mình tại Trung Đông, một số nước Bắc Phi, Pakistan, Afghanistan, Iraq hay ngay cả trên lãnh thổ Mỹ, nhiều nước trong NATO, EU. Vậy nên việc Đức, Mỹ, Anh cùng chia sẻ tình báo là hết sức cần thiết.

Từ những giải thích của Nhà Trắng về chương trình nghe lén mà mục đích là chống khủng bố Al-Qaeda, đến nay, sau hơn 2 tháng xảy ra vụ tiết lộ của Snowden, mâu thuẫn cũng dịu đi. Tuy thế, để giữ uy tín và vị thế của mình, Thủ tướng Merkel buộc lòng phải kết thúc hiệp ước tương trợ an ninh giữa Đức với Mỹ và Anh. Nhưng theo giới chuyên gia, sự việc này cũng không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ khăng khít Đức - Mỹ, Đức - Anh và các các nước trong NATO.

Và vì hiệp ước chia sẻ tình báo không ràng buộc về thời hạn và vì nó là biểu tượng rộng rãi, hơn nữa, trong bối cảnh Al-Qaeda lên tiếng sẽ tấn công nước Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ bằng những vụ đánh bom khủng bố trong tháng 8/2013 - tháng Ramadan ăn chay của người Hồi giáo, nên chẳng chóng thì chầy, theo Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói hôm 15/8 vừa qua rằng, cả 3 nước Đức, Mỹ, Anh sẽ tìm "một cách nào đó" để trao đổi những tin tức tình báo, nhất là trong lĩnh vực chống khủng bố và vũ khí hạt nhân. Nghĩa là với một nghĩa nào đó, hiệp ước về tương trợ tình báo giữa Đức, Mỹ, Anh vẫn tiếp tục

  •   Lê Miên Tường (CAND theo BBC News)