Phông chữ

Corinna zu Sayn-Wittgenstein- người tự xưng là ''công chúa Đức''- được mô tả tại Tây Ban Nha như “người bạn của quốc vương”.

Trong một phiên họp kín, các nghị sĩ đã yêu cầu ông Félix Sanz- người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Tây Ban Nha- giải trình về việc Zu Sayn-Wittgenstein tuyên bố đã làm việc trong các sứ mệnh bí mật của Chính phủ Tây Ban Nha và phải chăng người phụ nữ này là mật vụ của cơ quan tình báo.

Ông Sanz trước đó đã từng bác bỏ các thông tin này và các nghị sĩ dự cuộc họp có vẻ như tin tưởng vào vị Giám đốc tình báo. Song ông Cayo Lara- thủ lĩnh liên minh Đoàn kết Cánh tả- tuyên bố vẫn nghi ngờ về mối quan hệ giữa ''công chúa Đức'' này với chính phủ và Quốc vương Juan Carlos. “Đầu tôi hoàn toàn rối rắm mỗi khi nghĩ đến cái tên Corinna” - ông nói. Ông Lara đã yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy phải giải thích đích xác về vai trò của Zu Sayn-Wittgenstein khi bà này tuyên bố đại diện cho Tây Ban Nha.

Sayn-Wittgenstein là một phụ nữ xinh đẹp 48 tuổi, sử dụng danh hiệu của người chồng cũ để tự xưng là “công chúa Đức”. Mới đây, bà Sayn-Wittgenstein đã trả lời phỏng vấn một số tờ báo về mối quan hệ với Quốc vương Tây Ban Nha. Người phụ nữ bí ẩn này phàn nàn rằng bê bối của Hoàng gia Tây Ban Nha đã hủy hoại công việc kinh doanh của bà trong vai trò người môi giới hợp đồng giữa các công ty và các chính phủ, bao gồm cả các quốc gia Trung Đông nhiều dầu mỏ. “Điều này gây tổn hại rất lớn đến danh tiếng của tôi” – người phụ nữ này nói.

Cái tên Sayn-Wittgenstein lần đầu được nhắc đến trước công chúng khi bị phát hiện là người phụ nữ bí ẩn đã tháp tùng Quốc vương Juan Carlos – khi đó là Chủ tịch danh dự Quỹ Động vật hoang dã thế giới tại Tây Ban Nha - đến Botswana để săn voi hồi năm 2012. Chuyến thăm không có Hoàng hậu Sofia. Theo lời Sayn-Wittgenstein, bà đi cùng một người chồng cũ khác là Philip Atkins và mối quan hệ với Quốc vương Tây Ban Nha đơn giản chỉ là “bạn bè”.

Người dân Tây Ban Nha chỉ biết về chuyến đi săn bí mật của Quốc vương sau khi ông bị vỡ xương hông. Quốc vương Juan Carlos sau đó đã thực hiện điều chưa có tiền lệ là công khai xin lỗi . “Tôi vô cùng hối tiếc. Tôi đã phạm lỗi lầm. Nó sẽ không bao giờ xảy ra nữa”. Tuy nhiên, WWF không quan tâm. Vài tuần sau, họ sa thải Quốc vương Tây Ban Nha khỏi cương vị chủ tịch danh dự.

Theo điều tra của báo chí Tay Ban Nha, bà Sayn-Wittgenstein đã đóng vai trò là người trung gian cho Bộ trưởng Ngoại giao José Manual García Margallo một vài tháng trước, khi nhà chính trị này cần người trấn tĩnh các nhà đầu tư Abu Dhabi về quyết định của chính phủ giảm trợ giá cho các công ty năng lượng tái chế tại Tây Ban Nha. Sayn-Wittgenstein được cho là đã viết kịch bản cho một băng ghi hình tỏ lòng kính trọng đến người sáng lập Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Sheikh Zayed bin Sultan at Nahyan. Cuốn băng có sự góp mặt của Quốc vương Tây Ban Nha cùng cả Hoàng tử Andrew.

Dù Sayn-Wittgenstein bác bỏ việc có mối quan hệ không thích đáng với Quốc vương Tây Ban Nha, song điều này không ngăn cản được báo chí, cũng như một số chính trị gia chất vấn về vai trò bí mật của “công chúa Đức”.

Trong một bê bối khác cũng liên quan đến Hoàng gia Tây Ban Nha, tên của Sayn-Wittgenstein lại xuất hiện trong những thư điện tử được gửi đến tòa án, như vật chứng trong cuộc điều tra về cáo buộc con rể quốc vương là Công tước Inaki Urdangarin biển thủ tiền. Bức thư cho thấy Zu Sayn-Wittgenstein đã cố gắng giúp Urdangarin- một cựu vận động viên Olympic- có được một vị trí trong tổ chức thể thao quốc tế. “Tôi chỉ muốn giúp ông ấy có được công việc phù hợp” - Zu Sayn-Wittgenstein nói với tờ El Mundo.

  • Theo: Báo Lao Động