Phông chữ

Optima thế hệ mới chứng tỏ hãng xe "bé hạt tiêu" Hàn Quốc đã trưởng thành rất nhiều trong việc cá tính hoá các sản phẩm của mình. "Giản dị nhưng chính xác" là triết lý hiện thời của Kia.


Nhờ chiến dịch marketing đánh vào tâm lý tiết kiệm của người tiêu dùng, Kia và Hyundai đã thắng lớn khi doanh số lên cao, trong lúc cả thị trường đi xuống. Nhưng, sẽ là chưa đủ nếu không nói tới sự lột xác của các sản phẩm, nhờ thiết kế mới. Cả hai đã tạo nên phong cách cho riêng mình và dấu ấn đậm nhất là dàn xe hoành tráng tại triển lãm New York diễn ra đầu tháng 4.

Bằng sự hiện đại, bắt mắt và giàu cá tính, Kia và Hyundai trở thành đối thủ đáng gờm với các hãng Nhật, Mỹ và thậm chí cả Đức.

Một ngày trước khi trình làng Optima ở New York Motorshow, Tom Kearns, giám đốc thiết kế Kia California, đã có cuộc nói chuyện với giới truyền thông và kéo tấm vải che mẫu xe bí mật. Có lẽ ông cho rằng chỗ đó an toàn nên mới vượt quy tắc.

Nhưng một vài khách tham quan thấy nên dừng lại và nhìn chằm chằm vào chiếc xe. Nhân viên PR của Kia phải nhanh chóng kéo lên, tránh một vụ rò rỉ thông tin không mong đợi.

Khi Kia chính thức trình làng, Optima lập tức nhận được lời khen. Eric Galina, biên tập website chuyên ngành Car Design News viết: "Không nghi ngờ gì, Optima chính là ngôi sao của triển lãm".

Cạnh Optima còn có Sportage crossover đời 2011, Forte 5 cửa, Forte Koup và Soul.

Sau nhiều năm thua kém xe Nhật, Kia thức giấc từ 2006 khi thuê Peter Schreyer, một người Đức vốn đã rất thành công ở Audi. Bên cạnh đó, Mr. Kearns, người tham gia nhào nặn Cadillac CTS cũng góp mặt trong đội ngũ thiết kế.

Công việc đầu tiên Peter Schreyer làm là vẽ "gương mặt" cá tính cho Kia. Lưới tản nhiệt kiểu "con hổ" ra đời lần đầu trên chiếc Kee concept năm 2007 với tên gọi "Tiger grille". Schreyer cho biết ông không gợi nhớ tới thế giới của những người chơi golf. Chữ "tiger" để chỉ các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Mr. Kearns gọi lưới tản nhiệt này là "chữ ký của Kia".

Triết lý thiết kế của hãng xe Hàn Quốc là "giản dị nhưng chính xác". Schreyer tập trung vào tính đơn giản, ít rắc rối. Hầu hết các sản phẩm đều cấu trúc từ những đoạn thẳng đơn, ít gẫy khúc, phức tạp. Chẳng hạn đường kẻ đơn trên Optima chính là mui xe. "Chúng tôi muốn vẻ quyến rũ của Kia được nhận thấy từ rất xa", Mr. Kearns nói.

Đặc điểm mang đậm phong cách Schreyer nữa là sedan dưới bàn tay ông, tất cả các xe sedan đều giống dòng coupe với mui kéo dài xuống phía sau, khiến chúng dường như thấp và đầm hơn.

Tạo nên ngôn ngữ chung nhưng vị giám đốc người Đức không rơi vào nguy cơ thiếu sáng tạo. Optima rất khác với Soul, dù cả hai đều có lưới tản nhiệt "mặt hổ". Nếu Optima hướng tới sự sang trọng, bề thế thì Soul lại trẻ trung, mập mạp và đơn giản.

Hyundai, hãng mẹ Kia, cũng có một thời kỳ rực rỡ về thiết kế. Điểm đặc biệt là cả hai không hề bị ảnh hưởng từ thành công của nhau.

Nếu Kia hướng tới sự giản dị của một thương hiệu tầm trung thì Hyundai thể hiện tham vọng xa hơn. Đó là vượt qua cái bóng "bình dân" để vươn lên hàng ngũ hạng sang. Genesis sinh ra với ước muốn nhập vào hàng ngũ Lexus, Acura hay Infiniti như các đồng nghiệp Nhật từng làm.

Ngôn ngữ của Hyundai là "điêu khắc dòng chảy". Biến sự linh hoạt của chất lỏng thành hình khối giàu tính khí động học. Sonata, Tucson, Genesis là những đại diện thành công nhất.

"Những chiếc Hyundai giàu cảm xúc và uyển chuyển chưa từng có trong lịch sử", Mr. Kearns nhận xét.

 

 

Ảnh: Leftlane, Autoblog