feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Ngày 17/3/2010, Cơ quan Tình báo CHLB Đức (BND) lần đầu tiên cho công bố những tài liệu giúp làm rõ được những đối tượng phát xít cũ từng làm việc cho Tình báo Tây Đức. Hành động chưa từng có này là kết quả của chính sách xem xét lại một cách có hệ thống lịch sử của cơ quan tình báo, do đương kim Giám đốc BND Ernst Uhrlau khởi xướng từ năm 2006. Những tài liệu này chủ yếu liên quan đến một bộ phận bí mật có tên "Ban 85".


Năm 1946, khi Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, cuộc Chiến tranh lạnh bắt đầu manh nha, quân đội Mỹ chiếm đóng tại Đức đã quyết định lợi dụng kinh nghiệm của những tên phát xít cũ, sử dụng chúng để chống lại Liên Xô. Đó chính là nguyên nhân xuất hiện của cái gọi là "Tổ chức của Gehlen" (ORG). Đứng đầu tổ chức này là tên cựu Thiếu tướng phát xít Reinhard Gehlen, kẻ trong thời gian chiến tranh từng lãnh đạo Ban số 12 thuộc Bộ tổng tham mưu "Các quân đoàn nước ngoài của phương Đông" (Fremde Heere Ost - FHO), nơi chuyên điều hành những thông tin tình báo tác chiến của quân đội Đức Quốc xã.

FHO từng được đánh giá là một trong những cơ quan tình báo xuất sắc nhất của phát xít Đức. Những nhân viên còn sống của FHO đã được Gehlen tuyển chọn làm nòng cốt cho ORG. Sau khi chuyển tới Pulach gần Munich, một loạt các thành viên mật vụ phát xít cũ từ lực lượng SS, SD hay Gestapo cũng được tuyển mộ vào làm việc cho ORG.

Tháng 4/1956, ORG chính thức được người Mỹ chuyển giao cho chính quyền Tây Đức và được đổi tên thành Cơ quan Tình báo liên bang Đức (BND). Uy tín của cơ quan mới này đã bị tổn hại nghiêm trọng, sau khi công chúng phát hiện trong hàng ngũ của BND có mặt cả Johannes Clemens, kẻ trước năm 1945 còn làm việc trong hàng ngũ SS, từng tra tấn và sát hại rất nhiều người tham gia phong trào kháng chiến tại Italia. Sau vụ bê bối này, người dân đã đòi hỏi phải làm rõ, liệu có bao nhiêu kẻ như Clemens vẫn đang làm việc trong cơ quan tình báo của một quốc gia tự nhìn nhận là dân chủ và pháp quyền như Tây Đức?

Trước yêu cầu này, BND đã thành lập ra Ban 85 với nhiệm vụ làm rõ những kẻ từng là thành viên bộ máy thanh trừng của phát xít Đức hiện đang ẩn náu trong cơ quan tình báo. Ban này lúc đầu chỉ có vỏn vẹn 5 người, trong đó có 2 thư ký và 1 nhân viên an ninh nội bộ, tất cả đều chưa tới 25 tuổi.

Người đứng đầu Ban 85 là Hans-Henning Crome, một nhân viên BND cũng mới 23 tuổi. Tất cả 5 người này được giao đảm trách một cuộc điều tra quy mô lớn, tổ chức nhiều cuộc thẩm vấn và phân tích hàng ngàn tài liệu - những nhiệm vụ không hề đơn giản ngay cả đối với các chuyên gia có kinh nghiệm.

Ngoài tuổi đời quá trẻ, Crome chỉ có tấm bằng kinh tế, trong khi chẳng có chút kiến thức quân sự hay pháp lý nào, vốn rất cần cho những nhiệm vụ kiểu này.

Ban 85 tồn tại và hoạt động trong hai năm, từ 1963 đến 1965. Về sau, Hans-Henning Crome tiếp tục được giao đảm nhiệm nhiều cương vị cao cấp trong Cơ quan Tình báo Đức; từng là điệp viên tại New York, Madrid và Berne; từng lãnh đạo một trong những ban quan trọng tại trụ sở của BND. Tuy nhiên trong một bài trả lời phỏng vấn của phóng viên FAZ, ông này đã thừa nhận: "Điều duy nhất sau 40 năm phục vụ không hề rời bỏ tôi trong những giấc mơ - đó là công việc tại Ban 85". Khi đó, qua tay Crome là hàng trăm tài liệu về những tội ác khủng khiếp nhất. Các thành viên Ban 85 đã có hàng loạt những cuộc thẩm vấn với 146 nhân viên mật vụ mà họ nghi ngờ.

Tính ra, Ban 85 đã giúp làm rõ trong hàng ngũ BND gần 200 cựu nhân viên của Tổng cục An ninh đế chế (SS) từng dính líu vào các tội ác dưới thời phát xít. Vào thời điểm đó, số nhân viên trên đã chiếm tới 10% tổng số biên chế của Cơ quan Tình báo liên bang. Chẳng hạn như một kẻ có tên George W từ năm 24 tuổi đã phục vụ cho Gestapo tại thành phố Keslin. Năm 1939, hắn gia nhập "Đội tác chiến IV/2". Đơn vị có 300 người này có nhiệm vụ thủ tiêu tất cả những người được xếp vào loại trí thức tại đất nước Ba Lan sau khi bị chiếm đóng.

Chiến dịch thanh trừng trên của Đội IV/2 kéo dài trong suốt 3 tháng.  Chỉ trong một ngày tại khu rừng gần làng Palmira, George cùng đồng đội đã bắn chết tới 1.700 người, kể cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Trước năm 1954, George chỉ huy một đơn vị cảnh sát tại Kessel, chuyên săn lùng những người cộng sản và người Do Thái.

Trong danh sách đáng ngờ của Ban 85 còn có Helmut S, kẻ từng tham gia một chiến dịch của lực lượng SS tàn sát 24.000 người (chủ yếu là người Do Thái) trên lãnh thổ Liên Xô. Theo thừa nhận của Crome, hầu hết những tên cựu phát xít bị nghi ngờ đều không phủ nhận thời gian phục vụ cho lực lượng SS hay SD, có điều luôn che giấu những "tình tiết nhạy cảm" về các tội ác của mình trong quá khứ.

Ngày 1/2/1965, Ban 85 đã nộp bản báo cáo chi tiết mang số 815/65 lên ban lãnh đạo BND, trong đó trình bày đầy đủ tất cả những thông tin đã điều tra được. Tuy nhiên, nội dung của bản báo cáo đã vạch trần nhiều tội ác ghê tởm đến nỗi, Gehlen đã ra lệnh cất kỹ vào két sắt trong suốt 50 năm qua, trước khi được BND chính thức giải mật vào tháng 3/2010.

Theo nhận xét của Crome, sở dĩ bản báo cáo trên đã bị ém nhẹm do giới lãnh đạo BND khi đó lo ngại việc vạch trần những tên phát xít cũ trong hàng ngũ cơ quan mình sẽ gây ra một vụ bê bối lớn. Tính ra, trong tổng số 146 tên được Ban 85 thẩm vấn, có 71 trường hợp vẫn được ở lại phục vụ cho cơ quan tình báo do "không chứng minh được có dính líu vào tội ác của quân phát xít". Còn những kẻ bắt buộc phải bị sa thải đã nhận được những khoản tiền đền bù không nhỏ, đơn giản là do BND không muốn làm lớn chuyện
 
 
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.