Phông chữ

Helen Mcfarlane là một nhà báo cấp tiến, được Karl Marx ngưỡng mộ. Bà là người đầu tiên dịch Cương lĩnh đảng Cộng sản sang tiếng Anh. Vậy tại sao bà lại biến mất khỏi lịch sử?

Một thực tế tất cả mọi người đều công nhận rằng đáng làm một bộ phim về người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, người cuối cùng đã tìm được tình yêu.

Nhưng nhân vật chính của chúng ta, Helen Macfarlane, lại không phải là một nhân vật của tiểu thuyết.

Bà là người đầu tiên dịch Cương lĩnh của Đảng Cộng sản sang tiếng Anh, không phải bản tiếng Anh mà chúng ta biết ngày nay nhưng là bản với giọng văn rất riêng của bà.

Bản dịch của bà mở đầu: "Một bóng ma đáng sợ đang rình mò trên khắp châu Âu. Chúng ta đang bị ma ám, con ma của chủ nghĩa cộng sản..."

Bà làm thêm như một nhà báo cách mạng, viết dưới tên hiệu 'Howard Morton' cho trang 'The Red Republican', một trong những tờ báo đầu tiên theo đường lối Xã hội..

Và những điều bà viết - trong một thế giới nơi thậm chí những nhóm 'phụ nữ đòi quyền bỏ phiếu' cấp tiến bị xem là đi quá xa, thì bà là một đấu tranh cho các quyền của phụ nữ, người mơ ước một thế giới không có người nô lệ.

"Một nước cộng hòa không có người nghèo, không có các tầng lớp... một xã hội mà thế giới chưa từng được thấy, không chỉ gồm những người đàn ông tự do mà cả những phụ nữ tự do nữa," bà viết.

Không ngạc nhiên gì khi Karl Marx gọi bà là 'rara avis', một con chim hiếm, và ca ngợi những ý tưởng của chính bà.

Nhưng bà đã biến khỏi lịch sử sau một bữa tiệc cấp tiến không diễn ra như dự kiến.

Bàng hoàng

Karl Marx

Karl Marx và Friedrich Engels là đồng tác giả của Cương lĩnh Đảng Cộng sản

Một lá thư từ Marx tiết lộ với giọng văn đúng kiểu Victoria bà đã bị người vợ đầy ghen tuông của Biên tập viên tờ báo của bà làm mất mặt.

Mary Harney, một người Scotland cấp tiến, đã "từ chối quan hê với bà".

Và bà Helen đã đứng dậy bỏ đi. Các sử gia bị bỏ ngồi lại trong bàng hoàng. Không ai biết bà Helen đến từ đâu và đi đâu.

Cùng với sử gia David Black, tôi quyết định tìm hiểu.

Gia đình bà Helen đến từ ngành công nghiệp nhuộm Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không thuộc tầng lớp vô sản bị áp bức.

Họ là chủ các nhà máy xay.

Bà Macfarlane sinh năm 1818 tại Crossmill ở Barrhead trong một gia đình khá giả những người không ngần ngại phá vỡ các cuộc biểu tình bằng việc dùng tới quân đội.

Bà sống trong thế giới những ngôi nhà thời thượng ở Royal Crescent của Glasgow, và ở các xưởng in bốc mùi nhưng đầy sức sống tại Campsie và Crossmill.

Bà học tiếng Đức vì gia đình bà nghiên cứu nghề nhuộm với các khoa học gia hàng đầu thế giới ở Giessen.

Nhưng vào ngày Thánh Andrew, năm 1842, hai tuần sau cái chết của cha bà, cuộc đời của Helen sang một trang mới.

Công việc kinh doanh bị đổ vỡ. Bà và mấy anh chị em phải ký sang tên tài sản mà họ được thừa hưởng.

Macfarlane phải đi làm cô giáo dạy tư.

Cương lĩnh Nam nữ bình quyền

Mọi hy vọng có một cuộc hôn nhân hào nhoáng như trong tiểu thuyết của Jane Austen tan vỡ.

Dạy học ở nước ngoài, bà được chứng kiến cuộc cách mạng năm 1848 tại Vienna và chính bản thân mà đến với cách mạng.

Nhưng bà đã bỏ đi đâu?

Sử gia Nam Phi Shelagh Spencer có câu trả lời.

Helen tìm thấy tình yêu.

Bà kết hôn với một người tị nạn từ cuộc cách mạng năm 1848, Francis Proust, rồi sinh con và đặt tên con lấy từ cương lĩnh bình quyền nam nữ của thời đó - Consuela Pauline Roland Proust.

Họ đi sang Natal ở Nam Phi để sống cùng với gia đình bà những người Scotland di trú.

Nhưng thảm kịch lại đến một lần nữa - cuộc đời bà mở sang một trang mới.

Người chống ốm yếu của Helen bị đưa đi khỏi con tàu di cư trước cả khi tàu rời bến Anh Quốc và sau chuyến đi rùng rợn đó, người con mới có tám tháng tuổi của bà chết chỉ vài ngày sau khi bà đặt chân tới Nam Phi.

Đầy đau khổ, Helen hồi hương. Nhưng khí đó, chồng bà đã qua đời, và lại thêm một sự ngạc nhiên mới.

Bà kết hôn với một cha xứ.

Tại giáo xứ Baddiley bé nhỏ thuộc Cheshire, dưới gốc cây nhựa ruồi lớn, bạn có thể thấy ngôi mộ của Helen Edwards, vợ của cha xứ John Wilkinson Edwards.

Bà qua đời năm 1860 khi mới 41 tuổi để lại hai con nhỏ Herbert và Walter.

Người lao động

Nhưng liệu bà có từ bỏ Cách mạng?

Có lẽ vậy, nhưng chỉ sau một sự kiện khác nữa.

Chủ nghĩa Cộng sản của bà Helen chìm đắm trong tinh thần Thiên chúa giáo cấp tiến từ Đức.

Chúa Jesus là "thánh tử vì đạo đầu tiên' của cuộc cách mạng, 'người vô sản Galile' truyền đạo cho tầng lớp lao động.

Những viết lách cách mạng của bà thấm đẫm tinh thần từ Kinh thánh.

Mọi người bất kể chủng tộc, tầng lớp và giới tính đều bình đẳng vì Thượng đế ngụ trong tất cả mọi người.

Sử dụng đồng loại để làm lợi không chỉ là vô đạo đức mà còn là báng bổ.

'Bóng ma' của bà Helen chính là tinh thần của lịch sử chủ nghĩa Marxist và cuộc đấu tranh gia cấp sẽ không tránh khỏi mang đến một ngày cách mạng vĩ đại, nhưng nó rất gần với Đức Chúa của chồng bà và tín ngưỡng của ông về một ngày trọng đại - ngày thứ hai đức Chúa Jesus trở lại.

Có lẽ niềm khát khao cấp tiến muốn có công lý của bà đã không bao giờ bị mất đi.

  • Theo Louise Yeoman, BBC Scotland