Phông chữ

Sau khi Liên minh châu Âu (EU) được trao giải Nobel Hòa bình 2012 vì 6 thập niên nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở châu Âu, cộng đồng thế giới đã có những phản ứng trái chiều về quyết định này. Người khen cũng lắm, kẻ chê cũng nhiều.

Trong phát biểu đầu tiên ngay sau khi Ủy ban giải Nobel tại Na-uy đọc quyết định trao giải thưởng cao quý này cho EU để đề cao vai trò của khối trong việc tái thiết và tái thống nhất châu Âu sau thế chiến thứ II và Chiến tranh Lạnh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh những giá trị châu Âu đã được chính thức công nhận.

“Đây là một vinh dự không chỉ cho các thể chế trong EU mà còn cho toàn thể 500 triệu người dân trong khối”, ông J.Manuel Barroso phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở EC ở thủ đô Brussels của Bỉ.

Ông cũng đã điểm lại một số mốc phát triển và những nỗ lực của EU từ một liên minh gồm 6 nước thành viên ban đầu nay đã phát triển thành 27 nước, với rất nhiều thăng trầm phải vượt qua trong những thời kỳ khó khăn để trở thành một tấm gương về sự đoàn kết và hội nhập.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy cũng bày tỏ vui mừng, coi phần thưởng này là niềm vinh dự to lớn đối với EU.

“Đây là sự công nhận mạnh mẽ nhất có thể đối với những nỗ lực chính trị của liên minh”, ông khẳng định.

Theo ông, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính được coi là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi thể chế này ra đời và hiện vẫn đang tiếp tục hoành hành tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro (Eurozone), EU vẫn giữ vững vai trò của mình trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định tại châu lục.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz thì cho rằng EU đã có công lớn trong việc đưa “châu lục của chiến tranh” thành “châu lục của hòa bình”.

“EU đã tái thống nhất cả lục địa già bằng các phương cách hòa bình và đưa những kẻ thù trở thành những người bạn của nhau. Nỗ lực tái thống nhất lịch sử này của EU đã hoàn toàn được công nhận”, ông Schulz chia sẻ.

Lãnh đạo của Pháp, Đức và nhiều quốc gia thành viên khác trong EU cũng bày tỏ vui mừng.

“Euro không chỉ là một đơn vị tiền tệ mà còn là biểu tượng của sự hợp nhất hòa bình và các giá trị”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.

“Giải thưởng này đã xác nhận vai trò lịch sử của EU trong việc thúc đẩy hòa bình và đồng thuận ở châu Âu, đặc biệt trong việc mở rộng vai trò ở Trung và Đông Âu. EU phải luôn nỗ lực để duy trì và củng cố thêm những thành quả này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh nói.

“Giải thưởng Nobel Hòa bình càng đặt lên vai EU trọng trách lớn hơn trong viên duy trì thống nhất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và củng cố sự đoàn kết trong khối”, văn phòng Tổng thống Pháp ra tuyên bố.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số tổ chức và cá nhân lại phê phán quyết định trao giải thưởng hòa bình cho EU.

Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cho rằng quyết định trao giải thưởng hòa bình năm 2012 cho EU đã làm hạ giá trị của giải thưởng danh giá này.

“EU không đặt các vấn đề an ninh và gìn giữ hòa bình vào các mục tiêu ưu tiên của tổ chức này, trong khi có nhiều tổ chức khác thực sự đóng góp lớn vào việc củng cố hòa bình thế giới”, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Duma Quốc gia Vyacheslav Nikonov nói.

Ông Nikonov cho rằng việc trao giải thưởng này có thể chỉ nhằm ủng hộ EU về tinh thần trong bối cảnh tổ chức này đang suy sụp vì cuộc khủng hoảng nợ công và số phận mong manh của đồng euro.

Cùng chung quan điểm này, Giám đốc Quỹ hòa bình Nga đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) Leonid Slusky đánh giá việc trao giải thưởng hòa bình cho EU là "không đúng chuẩn mực".

“Việc kiến tạo hòa bình là nhiệm vụ thứ yếu trong hoạt động của EU vì tổ chức này chủ yếu là một thiết chế kinh tế”, ông lý giải.

Tổ chức Kiến tạo Hòa bình Thụy Điển cũng phê phán quyết định trao giải thưởng cho EU vì trong EU hiện vẫn có những nhà sản xuất vũ khí lớn.Tổng Thư ký tổ chức này Kristofer Burnet-Kargill cho rằng EU cần phải đóng vai trò lớn hơn trong cuộc đấu tranh vì hòa bình trên thế giới.

Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều người cũng đã bày tỏ thái độ không đồng tình với quyết định của Ủy ban Hòa bình Nobel năm nay khi họ viện dẫn cảnh hàng triệu người dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italia và Pháp vẫn phải xuống đường biểu tình phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Đó là chưa kể tình trạng chủ nghĩa dân tộc, nạn thất nghiệp và nghèo đói đang có xu hướng tăng lên cùng với thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng nợ công.

  • Việt Giang, Dantri
Tổng hợp