Phông chữ

Hơn 20 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, người ta có thể nghĩ rằng Stasi - Cơ quan An ninh tình báo của CHDC Đức (GDR) cũ - đã thuộc về quá khứ. Nhưng thực tế cho thấy GDR và cơ cấu an ninh của nó vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Vài tuần sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nhiều đặc vụ Stasi quay trở lại văn phòng của họ để cố gắng tiêu hủy hết những bằng chứng có thể khiến họ ngồi tù hay lật tẩy danh tính những gián điệp cài ở nước ngoài. Và hiện nay thế hệ trẻ muốn biết cảnh sát mật Stasi đã làm gì với cha mẹ họ.

Joachim Haussler, chuyên viên bảo quản hồ sơ lưu trữ của Stasi (Cơ quan Tình báo CHDC Đức), cho biết đống giấy tờ vụn của Stasi để lại được coi là "lớn nhất thế giới" - ước tính có đến 400 hay 600 triệu mảnh vụn trong đó có một số nhỏ cỡ móng tay người!. Chính quyền bangBavaria miền Nam nước Đức cho thành lập một đội chịu trách nhiệm phục hồi toàn bộ số giấy tờ vụn trên. Nhưng nếu chỉ sử dụng sức người thì có lẽ phải mất đến vài thế kỷ để ráp nối hết số giấy vụn này. Do đó, chính quyền liên bang quyết định nhờ đến công nghệ hiện đại để xử lý nhanh hơn, rẻ tiền hơn và hiệu quả hơn.

Tất cả những mẫu giấy vụn đủ mọi kích thước được lấy ra khỏi bao tải, vuốt phẳng, scan và lưu trữ mọi thông tin - màu sắc của giấy, chữ viết tay, chữ in, chữ viết tắt v.v… - vào máy tính. Sau đó một chương trình toán học phức tạp sẽ test, so sánh thông tin để ráp nối các mảnh lại với nhau. Nếu được chứng kiến tận mắt, người ta sẽ nhìn thấy các mảnh giấy vụn chạy lòng vòng trên màn hình máy tính rồi không lâu sau đó xuất hiện một trang tài liệu của Stasi được ráp lại nguyên vẹn!

Một trang tài liệu bị xé làm tư được phục hồi.

Đối với tiến sĩ Bertram Nickolay, lãnh đạo Đội chuyên gia Viện Fraunhofer, công việc phục hồi toàn bộ số tài liệu bị xé vụn của Stasi là thách thức lớn. Bertram Nickolay cho biết, không chỉ có giấy tờ lưu trữ những bí mật tình báo mà trong trụ sở cũ của Stasi ở Berlin (nay được xây dựng thành Nhà Bảo tàng Stasi) còn có thêm một nhóm chuyên gia khác phụ trách việc số hóa hàng ngàn dữ liệu âm thanh. Phần lớn băng ghi âm không được dán nhãn cụ thể cho nên nhóm chuyên gia khó biết trước được họ sẽ nghe được cái gì.

Có khoảng 16.000 bao tải chứa giấy tờ tài liệu bị xé vụn hiện được lưu trữ đang chờ phục hồi.

Tại sao phải đổ nhiều công sức để nghiên cứu và phục hồi hàng đống dữ liệu giấy má và âm thanh rối rắm như thế khi Stasi đã không tồn tại nữa? Một phần là, chính quyền Liên bang Đức hiện nay cho rằng đất nước có bổn phận kết thúc một giai đoạn quá khứ. Mặt khác, nhiều người mong muốn các hồ sơ của Stasi sẽ giúp giải thích những điều bí ẩn chưa có lời giải đáp.

  •   Duy Ân (tổng hợp), CAND