Phông chữ

Một công ty của Đức đã từ chối xử lý chất thải hoá học tại Bhopal, Ấn Độ, nơi đã xảy ra sự cố rò rỉ khí độc khiến ít nhất 15.000 người thiệt mạng cách đây 25 năm.

ông ty GIZ được thuê để xử lý 350 tấn chất thải hoá học đóng thùng vẫn nằm ngổn ngang ở nhà máy kể từ sau thảm hoạ rò rỉ khí cyanua methyl lỏng chứa trong bình khí vào năm 1984, dù công ty này được trả 4,5 triệu USD.

Trong lá thư gửi tới Bộ trưởng tài chính P. Chidambaram, GIZ nói rằng họ đã xem lại thoả thuận vì phải đối mặt với làn sóng phản đối trên báo chí ở Đức cho rằng dự án này đi ngược lại lợi ích của người dân Đức.

“Chúng tôi đã tiến hành đánh giá tình hình ở Đức và quyết định rằng lợi ích cao nhất của công ty là không thực hiện dự án này nữa,” bức thư nói.

Chính phủ Ấn Độ hồi tháng 7/2012 đã thông qua kế hoạch xử lý rác thải rắn ở nhà máy thuốc trừ sâu của tập đoàn hoá chất Union Carbide.

Ngày 3/12/1984, gần 40 tấn khí độc methyl isocyanate ở nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu của công ty Union Carbide Ấn Độ tại TP. Bhopal, miền Trung Ấn Độ, bị rò rỉ và phát tán nhanh chóng trong gió làm khoảng 4.000 người thiệt mạng ngay lập tức. Những ảnh hưởng của chất độc này kéo dài khiến số người chết tăng lên khoảng 15.000 trong vài năm sau đó. Theo Chính phủ Ấn Độ, ít nhất 500.000 người đã bị nhiễm độc. Các nhà hoạt động môi trường cho biết tới nay vẫn còn khoảng 30.000 người phải uống nước nhiễm độc, trong khi hàng ngàn trẻ em sinh ra bị tổn thương não, dị tật.

  • Trúc Quỳnh (Theo Eurasia Review), DatViet