Phông chữ

Theo kết quả điều tra từ một nhóm chuyên viên kinh tế thuộc Trường đại học Tổng hợp Linz (Áo), thì số tiền nhũng lạm hàng năm ở Đức lên tới con số khủng khiếp là 250 tỉ euro. Tại sao lại có hiện tượng khó tin mà thật này đối với một nền kinh tế được coi là "đầu tàu" của châu Âu?

Điều trước tiên mọi người cần biết, rằng, nước Đức là một trong những thành viên ít ỏi còn lại của Liên Hiệp Quốc (LHQ) vẫn "nấn ná" chưa chịu ký Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC) - ban hành qua Nghị quyết 58/4 của Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng 10/2003; tương tự như với Cộng hòa Arập Syria hay Vương quốc Arập Xêút vậy. Từ 140 quốc gia tham gia ký kết ban đầu, hiện thời UNCAC đã được Quốc hội của 161 nước thành viên LHQ phê chuẩn; nhưng cùng với Cộng hòa Czech, Cộng hòa Liên bang Đức là 2 quốc gia đơn độc ở châu Âu chưa tham gia Công ước này.

UNCAC ràng buộc về mặt pháp lý các nước đã tham gia ký kết phải thúc đẩy những biện pháp phòng chống qua các cơ chế thực thi, xử lý hình sự, thu hồi tài sản nhũng lạm, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ thông tin trong khuôn khổ hợp tác quốc tế. Với các điều khoản chi tiết thuộc Công ước, nổi bật lên vấn đề cần theo dõi chặt chẽ các nhân vật chức sắc có điều kiện tham nhũng. Cụ thể là giới chính khách, dân biểu, lãnh đạo doanh nghiệp cả công lẫn tư… Lý do chính yếu mà Berlin đưa ra, rằng sự giám sát chặt chẽ vô hình trung có thể cản trở giới dân biểu thực thi nhiệm vụ đầy trọng trách của mình (?!).

Theo sự xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (IT), một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi sự nhũng lạm trên thế giới thì Đức xếp thứ 14 về mức độ tham nhũng, đứng trước cả các quốc gia phát triển khác như Anh, Mỹ và Pháp.

Trước thực trạng đáng phê phán này, lãnh đạo của một loạt các công ty hàng đầu ở Đức gồm Siemens, Daimler, Bayer, Allianz, E.O.N, Deutsche Bank, Commerzbank, Deutsche Telekom, AG, Linde và Metro đã gửi một bức thư ngỏ tới thủ lĩnh các đảng phái trong Bundestag, yêu cầu xúc tiến nghị trình phê chuẩn UNCAC phù hợp với tiêu chí quốc tế hiện nay. "Sự chậm trễ trong việc ký kết và phê chuẩn sẽ làm tổn hại đến hình ảnh nước Đức nói chung, các hãng và công ty Đức nói riêng trong con mắt của cả thế giới".

Ngoài ra ngay từ đầu tháng 4 vừa qua, các nghị sĩ trong Tiểu ban Chống tham nhũng thuộc Nghị viện châu Âu (EP), nổi danh qua tên gọi Tiểu ban GREKO đã ra lời kêu gọi Chính phủ Đức và Chính phủ Czech, thông qua Quốc hội của 2 nước khẩn trương trong vòng 3 tháng phải tiến hành đàm phán ký kết UNCAC, tránh đi ngược lại xu thế bài trừ tham nhũng trên toàn cầu.

Riêng với nước Đức, tiếng nói cuối cùng vẫn thuộc về giới lập pháp, không hiểu các thành viên thuộc Bundestag có đồng thuận với quan điểm của GREKO hay không?

  •   Kim Dung (theo Deutsche Welle), CAND